Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đang mắc kẹt trong tình huống nan giải khi tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ đối với một số thành phần kinh tế, trong khi phải nới lỏng đối với một số khác.

PBOC
PBOC đang mắt kẹt giữa việc giảm nợ xấu trong khi vẫn phải nới lỏng chính sách để cứu vãn nền kinh tế đang giảm sút vì chiến tranh thương mại với Mỹ. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)

Nhiệm vụ nặng nề của PBOC là phải nỗ lực để xóa sổ nợ xấu ra khỏi hệ thống tài chính có giá trị trên 40.000 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng đồng thời lại bị yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang trì trệ và giải cứu thị trường chứng khoán đang sụt giảm bởi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào, nhưng bối cảnh thậm chí còn phức tạp hơn đối với Tân Thống đốc PBOC Yi Gang khi ông này chỉ vừa mới đảm nhận cương vị mới được vài tháng: Cuộc chiến thương mại đang gia tăng với chính quyền của Tổng thống Trump cộng với chi phí đi vay gia tăng ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư bán tháo Nhân dân tệ, đưa tới viễn cảnh PBOC phải can thiệp bảo hộ đồng nội tệ.

“Áp lực đối với chính sách tiền tệ nhằm cân bằng ổn định trong và ngoài nước là rất lớn, trong khi dư địa chính sách đang trở nên thu hẹp hơn”, Xu Zhong – Cục trưởng Cục Nghiên cứu PBOC phát biểu tại diễn đàn ở Bắc Kinh vào tuần trước. “Chính sách tiền tệ không thể làm mọi thứ, đặc biệt khi các cú sốc từ bên ngoài đang không ngừng gia tăng.”

Chiến lược bị đảo lộn vì chiến tranh thương mại

Động thái của PBOC là rất khác biệt so với vài tháng đầu năm nay khi thương mại và kinh tế Trung Quốc có vẻ tăng trưởng tốt, với tiền đề là tăng trưởng trong năm 2017 đã tăng tốc lần đầu tiên kể từ năm 2010. Điều kiện này dẫn tới PBOC đã có thể cân nhắc tới đặt chính sách thắt chặt từ từ lên bàn nghị sự. 

Yuan USD
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt hai thách thức lớn khi tăng trưởng suy giảm và đồng Nhân dân tệ mất giá. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Nhưng giờ đây, khi suy thoái kinh tế đã trở nên sâu sắc hơn – các đơn hàng xuất khẩu tháng 6 sụt giảm ngay cả trước khi Mỹ áp đặt mức thuế bổ sung – đã tác động mạnh tới những kế hoạch trước đó của PBOC.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng vừa trải qua một quý tồi tệ nhất trong vòng hơn 2 năm, và đồng Nhân dân tệ đang giảm giá khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất, khởi đầu một chu kỳ thắt chặt toàn cầu khiến đồng USD mạnh lên.

Kết quả đã khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vô cùng “bận rộn” với các kế hoạch như: cắt giảm dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng xuống một nửa so với trước; mở rộng danh mục tài sản thế chấp cho hoạt động thanh khoản; kìm giữ việc gia tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Phá sản kỷ lục

Với tỷ lệ nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đang ở mức cao, phá sản trái phiếu doanh nghiệp đang hướng tới một năm cao kỷ lục trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn, rủi ro là PBOC có thể đang quá tải với nhiều nhiệm vụ. Nó có thể hoặc phải ráng sức để cân bằng rủi ro nợ với các mối đe dọa đối với tăng trưởng, hoặc chỉ tập trung vào một vấn đề nhưng phải bỏ qua các vấn đề khác.

Dư địa để PBOC điều tiết thị trường cũng bị hạn chế do đồng Nhân dân tệ giảm giá, vì điều đó sẽ giới hạn cách thức các quan chức sử dụng để nới lỏng chính sách trong nước nhằm ngăn chặn đà suy thoái.

Theo Nie Wen, một chuyên gia tại Công ty Huabao Trust ở Thượng Hải, thực tế đó tiềm ẩn rủi ro tạo thành một “vòng luẩn quẩn” nếu các quan chức không giải quyết những vấn đề tồn tại, bởi việc phát triển chậm hơn sẽ đè nặng lên đồng Nhân dân tệ, kéo theo gây tổn hại đến sức mua của nền kinh tế.

Nỗ lực cứu vãn

Embed from Getty Images

Một phần của việc tập trung sự chú ý vào PBOC là bởi vì các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng duy trì chính sách tài khóa thắt chặt. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua mục tiêu thâm hụt ngân sách thấp hơn trong năm nay, mặc dù họ cũng để ngỏ rằng có dự phòng cho chi tiêu công nhiều hơn nếu nền kinh tế gặp khó khăn.

Hiện tại, các quan chức Trung Quốc đang muốn tránh phải sử dụng lại các các “chiêu trò” kích thích tăng trưởng cũ, như rầm rộ mở ra các dự án xây dựng hạ tầng do chính phủ hậu thuẫn, hoặc nới lỏng giới hạn mua bất động sản… Thay vào đó, họ đã cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để khuyến khích tiêu dùng trong nước.

Theo khảo sát của Bloomberg, PBOC hiện được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày – cơ sở của lãi suất cho vay liên ngân hàng – không thay đổi ở mức 2,55% cho đến cuối năm 2018.

“Đó là một sự đảo ngược đáng kể so với kỳ vọng thắt chặt chỉ một tháng trước đó”, theo đề cập trong khảo sát.

Rủi ro tiềm tàng

Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng kỳ vọng PBOC sẽ đưa ra nhiều công cụ chính sách hơn, nhằm hỗ trợ các lĩnh vực của nền kinh tế mà không bơm quá nhiều tiền làm “ngập lụt” hệ thống tài chính.

Áp lực suy thoái càng lớn, các lãnh đạo chính trị của PBOC sẽ càng phải tính đến phương án mở “vòi” tín dụng. Bởi vì việc duy trì chính sách tài chính thắt chặt để tái cân bằng lại nợ xấu lại tạo ra rủi ro cho tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ding Shuang, kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc Đại Lục và Bắc Á của Ngân hàng Standard Chartered Hồng Kông cho biết: “Bơm tiền cho những khu vực ưu tiên này là một trò chơi phức tạp. Một sai lầm có thể gây ra những rủi ro lớn, và nó lại rất dễ mắc sai lầm.”

Theo Bloomberg,
Liên Hương

Xem thêm: