Tính bình quân, 9 người dân Việt Nam đang phải nuôi 1 cán bộ hưởng lương hoặc đang nhận phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

hoi thao cong chuc bo may nha nuoc 1
Hình ảnh về buổi Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức. (Ảnh: Bộ Nội vụ)

Thông tin được PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) nêu tại hội thảo về Chính phủ và chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức cuối tháng 8 qua.

Dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ, ông Nghĩa cho biết tính đến cuối tháng 3/2018, ước tính số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách lên tới 11 triệu người.

“Bình quân cứ 9 người dân Việt Nam đang phải nuôi 1 cán bộ hưởng lương hoặc đang nhận phụ cấp từ ngân sách Nhà nước”, ông Nghĩa tính toán.

Theo ông Nghĩa, hiện trạng này là một phần lý do khiến Việt Nam vẫn còn nghèo và yếu khi tỷ lệ công chức và viên chức của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực, với 4,8% dân số cả nước.

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, kể lại khi cựu Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam đã rất ngạc nhiên trước thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng khoảng 25% dân số nước Mỹ, nhưng số lượng công chức Việt Nam lại đông hơn công chức Mỹ.

“Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như vậy”, ông Bảo nói.

Một trong những lý do khiến bộ máy ngày càng phình to và biên chế vẫn lớn, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, là do đang có sự nhầm lẫn làm công chức hóa toàn bộ hệ thống chính trị, ai cũng được làm công chức nên mới dẫn đến tình trạng nhiều công chức như hiện nay.

Ông Bảo cho rằng công chức chỉ là người của bộ máy công quyền, còn cán bộ mặt trận, đoàn thể… là người hoạt động xã hội, không phải công chức. Do đó, Quốc hội nên phân bổ lại ngân sách hợp lý, không để xảy ra tình trạng lệ thuộc, phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Nói về giải pháp tinh gọn bộ máy, cựu Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết ông từng đề xuất nên sắp xếp lại bộ máy nhà nước xuống còn dưới 20 bộ là hợp lý.

“Các nước phát triển chỉ có từ 10 đến 12 bộ, đặc biệt ở Thụy Sĩ chỉ có 7 bộ”, ông Phúc cho hay. “Phải làm như vậy thì bộ máy mới gọn nhẹ, mới giải được bài toán bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn.”

Chân Hồ

Xem thêm: