Theo Bloomberg, các nhà sản xuất điện tử đang lên kế hoạch dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến Đại Lục không còn là nơi hấp dẫn để sản xuất các thiết bị điện tử.

san xuat chip dien tu 147238295
(Ảnh minh họa: STR/AFP/GettyImages)

Các công ty điện tử Đài Loan có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây để lộ ý định rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Delta Electronics, công ty cung cấp linh kiện chính cho Apple là một trong số đó. Công ty này vừa cho biết họ sẽ chi 2,14 tỷ USD để mua lại một nhà máy liên kết tại Thái Lan – bước đầu của việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khu vực Đông Nam Á.

Một công ty khác là Merry Electronics, nhà sản xuất tai nghe cho các thương hiệu như Bose cũng cho biết có thể dịch chuyển một số hoạt động phía Nam Trung Quốc sang Thái Lan từ, tùy thuộc vào mức độ leo thang của cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.

Đài Loan là quê hương của nhiều hãng gia công lớn nhất thế giới, như Foxconn gia công lắp ráp cho các sản phẩm iPhone, việc gia công sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng đã trở thành một xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây của các công ty Đài Loan tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi lương nhân công Trung Quốc tăng cao và các chi phí trở nên đắt đỏ hơn do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, các công ty này đã bắt đầu di chuyển ra khỏi Đại Lục.

Tập đoàn New Kinpo, sản xuất mọi thứ từ phần cứng máy tính đến máy mát-xa mặt ở Thái Lan và Philippines, cho biết với Bloomberg mới đây rằng cuộc “tấn công” của Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm của họ.

“Các công ty Đài Loan đã đầu tư vào Trung Quốc trong quá khứ vì chi phí lao động thấp. Nhưng khi tiền lương ở Trung Quốc đang tăng lên, một số đã bắt đầu một ‘cuộc di cư’ sang Đông Nam Á”, Tsai Ming-fang, chuyên gia tại Đại học Tamkang của Đài Bắc cho biết. “Thuế quan của ông Trump càng khiến các công ty Đài Loan có thêm động lực.”

Những con số thống kê đang dần cho thấy điều đó. Cụ thể, trong 6 tháng qua, Đài Loan đăng ký đầu tư vào Trung Quốc 4,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ, trong khi đầu tư vào Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ lại tăng vọt.

Xu hướng này phần lớn phụ thuộc vào việc liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và tiến tới đánh thuế toàn bộ hàng hóa hay không. Tuy nhiên, với nhiều lãnh đạo các hãng công nghệ, kế hoạch của họ đã bắt đầu rồi.

“Có rất nhiều bất ổn trong địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã thực sự bắt đầu”, Yancey Hai – Chủ tịch Delta Electronics cho biết.

Nói về thương vụ mua lại nhà máy tại Thái Lan, phát ngôn viên của Delta nói: “Với việc mua lại, Delta có thể mở rộng cơ sở sản xuất, giảm thiểu rủi ro từ chiến tranh thương mại toàn cầu, tăng cường mạng lưới bán hàng và tiến gần hơn tới khách hàng.”

Tương tự, Giám đốc điều hành của hãng Merry Electronics, ông Allen Huang cho biết: “Nếu thuế nhập khẩu của ông Trump ảnh hưởng đến thị trường tai nghe, nó sẽ tác động đến xuất khẩu của chúng tôi sang Mỹ. Các khách hàng sẽ kỳ vọng chúng tôi có thể cắt giảm chi phí và sản xuất tại các quốc gia không bị Mỹ đánh thuế. Trong khi các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đều vận hành các nhà máy ở Trung Quốc, chúng tôi có lợi thế hơn nhờ các cơ sở ở Thái Lan. Ban đầu, chúng tôi sẽ làm nửa công đoạn ở Trung Quốc, rồi chuyển sang Thái Lan để hoàn thiện, nếu bị đánh thuế.”

Theo Bloomberg,
Chân Hồ