Luật quản lý nợ công sửa đổi lần này đã có bước chuyển biến tích cực khi chỉ còn một đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính đứng ra quản lý. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nợ còn chung chung, chưa rõ ràng và nợ của khối DNNN vẫn không được tính vào nợ công.

no cong viet nam
(Ảnh qua: ndh.vn)

Trong phiên họp Quốc hội chiều qua (3/11) về Luật quản lý nợ công sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra tán đồng với quyết định của Chính phủ thống nhất đưa 3 đầu mối quản lý nợ công trước đây về một mối, do Bộ Tài Chính quản lý.

Điều này sẽ khắc phục được tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ, quản lý ngân sách và trách nhiệm trả nợ.

Tuy nhiên, vấn đề chỉ mới được giải quyết một nữa.

Trách nhiệm ai chịu?

Trao đổi cùng báo Lao Động bên lề cuộc họp hôm qua, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng vẫn cần có những quy định cụ thể hơn về cơ chế chịu trách nhiệm cho các khoản vay.

Ông Cường cho biết cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người quản lý nợ công đối với các khoản tiền vay về mà sử dụng không hiệu quả. Trong Luật quản lý nợ công chưa đề cập đến điều này.

Ngoài ra, còn có việc Nhà nước đứng ra vay tiền về để cho vay lại hoặc bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay nước ngoài. Nhưng khi những đơn vị được bảo lãnh, được nhận tiền vay lại mà không hoàn trả được thì trách nhiệm của những người đứng ra đi vay về cho vay lại, hoặc bảo lãnh vẫn chưa được xác định.

Như vậy, việc quy đầu mối quản lý nợ công về một mối nhưng không phân định rõ ràng trách nhiệm người quản lý, đến khi xảy ra các vấn đề, không ai đứng ra chịu trách nhiệm thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, vị đại biểu đến từ Hà Nội cho rằng, cần chia thành 2 loại trách nhiệm cụ thể:

Thứ nhất, là trách nhiệm về mặt kinh tế, những người duyệt cho vay lại hoặc đứng ra bảo lãnh phải hoàn trả số tiền cho ngân sách trong trường hợp tổ chức, DNNN vay lại hoặc được bảo lãnh không có khả năng hoàn trả.

Thứ hai, là trách nhiệm về mặt hành chính, “có thể anh không phải trả bằng tiền thì anh phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính đối với dự án mà anh đã phê duyệt cho vay hoặc bảo lãnh.”, ông Cường nói.

Nợ công vẫn chưa được tính đúng, tính đủ

Ngoài ra, một điểm chính yếu không kém phần quan trọng đó là cách tính nợ công.

Trong Bản dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi được Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cập nhật gần nhất ngày 26/4/2017, định nghĩa “nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương”. Như vậy, nợ công sẽ không bao hàm những khoản vay của các chủ thể khác như doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức công lập khác vay mà không qua bảo lãnh Chính phủ.

Để khắc phục điều này, một số đại biểu kiến nghị đưa thêm các khoản nợ vào phạm vi nợ công như: nợ tự vay, tự trả của DNNN; nợ do NHNN phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ; nợ xây dựng cơ bản; các khoản nợ cấp bù lãi suất cho các ngân hàng chính sách; nợ hoàn thuế VAT và nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, ý kiến này đã không được thông qua.

>> Tại sao nợ công của Việt Nam quá ‘xấu’ và ‘nguy hiểm’?

Lý giải về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, các khoản vay này thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, trường hợp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản, đảm bảo bình đẳng như các doanh nghiệp khác và tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN. Nếu quy định nợ của DNNN thuộc phạm vi nợ công, thì Nhà nước có nghĩa vụ phải trả nợ thay trong trường hợp DNNN không trả được nợ, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Do đó, Uy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, nợ của DNNN không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm: (1) Nợ của Chính phủ Trung ương và các Bộ, ban, ngành Trung ương; (2) Nợ của các cấp chính quyền địa phương; (3) Nợ của Ngân hàng Trung ương; và (4) Nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ, hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ. Trong trường hợp của Việt Nam, đây chính là nhóm các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, gọi tắt là các DNNN.

>> Kiểm toán Nhà nước: Khối doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nền kinh tế nhiều vấn đề

Thực tế, như trường hợp của Vinashin, dù nợ của Vinashin không được tính vào nợ công, nhưng khi Tập đoàn này mất khả năng thanh toán trên thị trường quốc tế, Chính phủ đã phải đứng ra trả nợ thay, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến mức tín nhiệm của Trái phiếu chính phủ.

Một ví dụ gần đây, đó là trường hợp nợ của 4 dự án đại thua lỗ thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), số nợ đến cuối tháng 6/2017 lên đến hơn 38.000 tỷ đồng và gần như không còn khả năng chi trả. Tìm đến sự hỗ trợ từ phía NHNN là cứu cánh duy nhất vào lúc này của Vinachem. Và một lần nữa, Chính phủ phải đứng ra giải quyết các mớ hổn lốn từ những tập đoàn, công ty nhà nước mang lại. Theo Bộ Tài chính, từ năm 2017-2022, ngân sách nhà nước sẽ phải ứng hơn 2.800 tỷ đồng (125 triệu USD) để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã ứng ra 1.610 tỷ đồng từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Vậy, xét cho cùng, những món nợ không có khả năng chi trả của các DNNN rồi cũng phải dùng đến ngân sách nhà nước để trả nợ thay, có hợp lý chăng khi nợ công lại không bao gồm các khoản này?

no cong

Nợ công tiếp tục phình to

Báo cáo nợ công của Chính phủ hôm 31/10 cho thấy, nợ công Việt Nam năm 2017 có thể lên đến 3,1 triệu tỷ đồng (136,5 tỷ USD), bằng 62,6%GDP, và dự kiến có thể ở mức 63,9%GDP vào cuối năm 2018. Bình quân mỗi người Việt đang ‘gánh’ 33 triệu đồng tiền nợ công, cao gấp 1,4 – 3 lần quốc gia khác.

Bên cạnh đó, theo báo cáo Tình hình tài chính của DNNN của Bộ Tài chính, tổng số nợ phải trả của các DNNN hiện hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tính thêm số nợ này nữa thì nợ công đã gần 93%GDP, vượt xa ngưỡng giới hạn cho phép 65%GDP mà Chính phủ đưa ra.

Cộng thêm số nợ của DNNN, số nợ mà mỗi người dân Việt phải mang không chỉ là 33 triệu nữa mà lên gần 50 triệu đồng/người.

>> Mỗi người Việt đang ‘gánh’ 33 triệu tiền nợ công (Infographic)

Thực tế, mức vay nợ của Chính phủ đã tăng lên rất cao trong 5 năm qua (2011-2015). Số giải ngân ODA vay năm 2011 tăng 1,5 lần so kế hoạch và các năm như 2012 tăng 2,3 lần, 2013 tăng 2,8 lần, năm 2014 tăng 3,3 lần, 2015 tăng 1,6 lần. Nghĩa là, Chính phủ liên tiếp vỡ kế hoạch vay nợ.

“Điều đó dẫn đến nợ công tăng nhanh và ở mức cao, tính riêng dư nợ của Chính phủ đến cuối năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với năm 2011. Và trong thời gian qua, Chính phủ đã phải trình Quốc hội phê chuẩn bội chi hàng năm cao hơn dự toán đã được phê duyệt.”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết.

Trong tình huống nợ công liên tục tăng cao trong thời gian qua, bình quân hàng năm tăng thêm 300.000 tỷ đồng. Việc không có một cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, và không tính đến nợ của khối DNNN sẽ khiến việc quản lý nợ công không sát với thực tế, không có người đứng ra chịu trách nhiệm sẽ lại là câu chuyện muôn thuở “cha chung không ai khóc” mà trong tình huống này là nợ công.

Với đà này, người dân sẽ phải gánh trên mình không chỉ là 33 triệu hay 50 triệu tiền nợ công nữa, con số sẽ chưa dừng lại ở đó.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: