Sau quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2017, các nước trong khối vẫn quyết tâm theo đuổi Hiệp định này. Trong đó Nhật Bản là nước đóng vai trò dẫn dắt và tiếp theo là Australia, New Zealand, những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ. Tuy vậy sự thay đổi thành viên quan trọng trong TPP khiến Hiệp định này phải kéo dài thời gian thương thảo trước khi chính thức có hiệu lực.

TPP minus US
(Ảnh: shutterstock)

Sau cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 5/2017 của các nước thành viên tham gia TPP, một cuộc họp cấp kỹ thuật đã diễn ra ở Hanoke, thị trấn nghỉ dưỡng ở phía nam Tokyo, Nhật Bản từ ngày 12 – 14/7/2017. Kết thúc cuộc họp ở Hanoke, các bên thể hiện mong muốn tiếp tục duy trì hiệp định, và dự định sẽ họp lại vào vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới tại Australia, và có thể sẽ có một vài cuộc họp nữa trước khi các bên gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm nay.

Thiếu vắng Mỹ, một số vấn đề trong Hiệp định sẽ phải xem xét lại. Mặc dù các bên vẫn thể hiện quyết tâm tham gia hiệp định, một số vấn đề phát sinh sau khi Mỹ rút khỏi TPP có thể khiến quá trình thương thảo TPP sẽ còn kéo dài.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong TPP cần được xem xét lại là điều khoản về kích hoạt hiệp định. Theo quy định trước đây, TPP sẽ có hiệu lực chỉ khi có ít nhất 6 nước thành viên với tỷ lệ GDP trong khối là 85% thông qua Hiệp định này. Trong số 12 quốc gia ban đầu, GDP của Mỹ chiếm 60% trong khối. Nay khi tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP, điều khoản trên là bất khả thi. Vì vậy các nước trong TPP sẽ phải xem xét lại giải pháp thay thế.

Một số nội dung khác cũng được thảo luận lại gồm có: cải thiện điều kiện lao động, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Nhật Bản, quốc gia dẫn đầu, luôn mong muốn sự thay đổi các điều khoản trong TPP ban đầu là ít nhất và cũng hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại. Tuy vậy với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tìm kiếm các hiệp định thương mại song phương với từng quốc gia của Tổng thống Trump, việc Mỹ quay trở lại TPP khó thành hiện thực.

tpp ban do copy
Các nước đang tham gia thương lượng TPP (màu vàng, không có Mỹ) (ảnh qua nation.lk)

Mặc dù một số điều khoản của hiệp định cần phải được xem xét lại, song các nước trong khối cũng mong muốn duy trì những tiêu chuẩn cao khi tham gia vào TPP nhằm giữ được đối trọng với Trung Quốc, và đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách các chính sách kinh tế hơn nữa nếu muốn tham gia TPP trong tương lai.

Một số vấn đề tồn tại khác bao gồm mong muốn tái thương lượng một số điều khoản của các nước đang phát triển. Chẳng hạn trước đây khi có Mỹ, các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia buộc phải tuân thủ một số điều kiện để hàng hóa có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ. Đối với Việt Nam đó là cải thiện luật lao động trẻ em, cải thiện tính minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước, cho phép nhà sản xuất dược phẩm Mỹ bảo hộ sâu hơn các loại thuốc mà các nước đang phát triển tiến hành sản xuất. Những quy định này sẽ khiến hàng hóa Việt Nam khó đáp ứng tiêu chuẩn đề ra của các nước TPP nếu không thực sự có những chiến lược và thay đổi mạnh mẽ.

Hoặc đối với Mexico, nước này đang trong quá trình xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mỹ, đồng thời Mexico cũng sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa hè năm sau. Tương tự với Chile, quốc gia đã ký 26 thỏa thuận thương mại với EU, Trung Quốc và Mỹ và là thành viên sáng lập của hiệp ước P4, tiền thân của TPP (cùng với Brunei, New Zealand và Singapore), cũng mong muốn những thỏa thuận song phương đạt được với Mỹ trong TPP sẽ vẫn có hiệu lực. Những điều này sẽ góp phần làm cho quá trình thương lượng và thông qua Hiệp định TPP kéo dài và khó khăn hơn.

Liên Hương

Xem thêm: