Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm trị giá 4.500 tỷ đồng tại Khu đô thị Thủ Thiêm đang gặp vướng mắc trong việc tìm chủ đầu tư. Do đó, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được quyết định lựa chọn nhà đầu tư, theo “trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù“.

co che dac thu
UBND TP.HCM đề xuất nhà đầu tư dự án là liên danh Công ty Intertrade Singapore Pte. Ltd. và Công ty Saigon Bund Capital Partners – BVI.

Theo UBND TP.HCM, từ tháng 11/2012, dự án đã mời gọi đầu tư, nhưng trong thời gian dài không có nhà đầu tư nào đăng ký.

Đến năm 2014, Liên danh nhà đầu tư Công ty Intertrade Singapore Pte. Ltd. (thuộc Tập đoàn PICO) và Công ty Saigon Bund Captical Partners Ltd. đã đăng ký và được UBND TP.HCM chấp thuận cho tự bỏ chi phí để nghiên cứu ý tưởng quy hoạch – kiến trúc và đề xuất đầu tư dự án.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo Điều 22 Luật Đấu thầu, dự án không thuộc diện được chỉ định nhà đầu tư. Nhưng thực hiện đấu thầu công khai cũng gặp vướng mắc lớn do Liên danh đã tự bỏ chi phí để nghiên cứu ý tưởng quy hoạch – kiến trúc; nếu TP sử dụng phương án thiết kế kiến trúc này để tổ chức đấu thầu thì sẽ vi phạm bản quyền.

Còn nếu TP tự xây dựng phương án kiến trúc thì sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm đã mất tới 4 năm mới có thể tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Với những lý do trên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP lựa chọn Liên danh Intertrade Singapore Pte. Ltd. và Công ty Saigon Bund Capital Partners – BVI theo Điều 26 của Luật Đấu thầu quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Về lý do đề xuất đơn vị Liên danh làm chủ đầu tư, chính quyền TP. HCM cho biết vì đơn vị này đáp ứng được yêu cầu của TP về phát triển một trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế với quy mô lớn.

Hiện đề xuất chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có diện tích khoảng 16,8 ha, trong đó diện tích đất phát triển dự án khoảng 83.183 m2, công viên cây xanh khoảng 76.000 m2 và phần còn lại là đường giao thông.

Phương án thiết kế được phê duyệt mang hình tượng “cánh hoa sen”, điểm nhấn chính là mái vòm của khu trung tâm hội nghị triển lãm với màu sắc thay đổi theo thời gian.

Theo dự toán của liên danh, tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 200 triệu USD, tương đương khoảng 4.500 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 20 năm.

‘Cơ chế đặc thù’

Điều 26 Luật Đấu thầu cho phép việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Cụ thể, luật quy định: “Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư“.

Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2014, nhưng tới nay chưa có quy định chi tiết thi hành Điều 26 trên.

Về lý thuyết, việc kiểm soát nguồn vốn, tài chính chi từ ngân sách đã được phân cấp cho Bộ Tài chính, phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư do người có thẩm quyền trình bày… Việc áp dụng cơ chế đặc thù được cho là giúp tháo các nút thắt để các địa phương có cơ hội triển khai dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi được Thủ tướng đồng ý, nhiều dự án qua thời gian lâu vẫn chưa triển khai, như Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên (Hà Nội) – một trong 8 công trình cấp bách, trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016, nhưng sau hơn 10 tháng vẫn giậm chân tại chỗ do chưa thống nhất được phương án thiết kế. Trong các dự án còn lại, khi đã được chấp thuận cho áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện sớm, thì sau đó 2 dự án mới được tiến hành hoàn thiện hồ sơ dự án, 1 dự án phải xem xét phương án bố trí vốn, thậm chí 2 dự án bị tạm dừng triển khai.

Khoản 1 Điều 90 của Luật Đấu thầu quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được đưa vào Bộ Luật hình sự 2015, Điều 222.

Tại văn bản số 573, bên cạnh việc chấp thuận áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu; đồng thời chỉ đạo thực hiện tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác) và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình…

Thế nhưng, chưa rõ việc thanh tra dự án đã được tiến hành hay chưa, còn tháng 6 vừa qua, Hà Nội lại tiếp tục xin cơ chế đặc thù để triển khai các dự án đầu tư nút giao thông và dự án giải quyết ùn tắc giao thông nội đô.

Áp dụng cơ chế đặc thù có thể tạo ra phương thức xử lý ngoại lệ cho những trường hợp đặc biệt. Song mặt trái là áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt là Điều 26 của Luật Đấu thầu, có thể dẫn đến tình trạng lobby dự án, không loại trừ biểu hiện của chủ nghĩa tư bản “thân hữu”. Việc thông qua dự án đầu tư được chấp thuận ở cấp cao nhất – Thủ tướng tạo nên cơ chế quyền lực “một đường”. Việc áp dụng cơ chế đặc thù một cách công khai, minh bạch, kiểm soát và xử lý theo đúng quy định mới vừa tốt cho chính quyền lẫn doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Nguyễn Quân

Xem thêm: