Trong động thái mới đây, Tổng thống Trump thông báo gia hạn áp đặt trừng phạt về kinh tế đối với Triều Tiên thêm một năm nữa. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Triều Tiên sẽ vẫn bị cô lập và Mỹ vẫn coi Triều Tiên là một “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” cho đến chừng nào Bắc Hàn phi hạt nhân hóa hoàn toàn. 

Thử cùng tìm hiểu nền kinh tế Triều Tiên hoạt động như thế nào trong khi bị Mỹ áp đặt trừng phạt.

cong nhan trieu tien
Các công nhân Triều Tiên đang vận chuyển cát đến một bến tàu trên sông Yalu ở phía Bắc biên giới Triều Tiên. (Ảnh: Zhang Peng/LightRocket qua Getty Images)

Là quốc gia nằm ở vùng Đông Á và có biệt danh “Vương quốc hiu quạnh” do chính sách tự cô lập mình, Triều Tiên đã xuất khẩu được 1,844 tỷ USD giá trị hàng hóa cho các đối tác thương mại trong năm 2017. Số tiền phản ánh mức sụt giảm gần một nửa kể từ năm 2013, và giảm gần 37% so với năm 2016.

Dựa trên các ước tính từ báo cáo “Dữ kiện Thế giới” (The World Factbook) của Cơ quan tình báo Mỹ CIA, hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Triều Tiên chiếm khoảng gần 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Top 10 sản phẩm xuất khẩu

Top 10 sp Bac Han
(Số liệu: WTEx | Đồ họa: Trí thức VN)

Top 10 sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Triều Tiên chiếm đến 88% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này trong năm qua.

Đứng đầu trong các mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất từ Triều Tiên là Quần áo với gần 500 triệu USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là nhiên liệu khoáng/dầu khí với 420 triệu USD, chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, chỉ tính riêng hai mặt hàng này đã chiếm một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2017.

Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu Trái cây và hạt có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Top 10 với mức tăng 54,9% từ năm 2016 đến 2017. Tuy nhiên, ngành nhiên liệu khoáng và dầu khí lại bị giảm đến -66% trong năm qua do doanh số than đá quốc tế chậm lại.

Các thị trường nhập khẩu lớn

Xét theo khu vực, có đến 95,9% hàng hóa xuất khẩu của Bắc Triều Tiên được xuất cho các nước châu Á; một phần rất nhỏ khoảng 1,6% được bán cho các nhà nhập khẩu châu Âu; 1,2% khác được xuất sang thị trường châu Phi; 1% xuất sang châu Mỹ Latin (trừ Mexico); và Bắc Mỹ chỉ mua rất hạn chế khoảng 0,3% hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên.

Xét theo quốc gia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên khi có đến 91% hàng hóa xuất khẩu từ Triều Tiên, tương đương 1,7 tỷ USD, có địa chỉ nơi đến là quốc gia láng giềng Trung Quốc. Kế đến là Pakistan với 29,2 triệu USD, Ấn Độ (26,1 triệu USD), Pháp và Sri Lanka lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5.

Với quy mô xuất khẩu còn hạn chế, nền kinh tế Triều Tiên luôn trong tình trạng bị thâm hụt thương mại lớn. Năm 2017, Bắc Hàn bị thâm hụt 1.688 tỷ USD, tăng hơn 640% so với năm 2016 (thâm hụt hơn 225 tỷ USD).

Một số công ty phổ biến ở Triều Tiên có thể kể đến như: Elpis Corporation hoạt động trong ngành động cơ dầu; Groon Co. Ltd (phế liệu kim loại, phế liệu điện tử); Hai Dan (mỹ phẩm); Kim’s Enterprise & Supplying Ltd (máy móc xây dựng); KQ Earphone (tai nghe); Pishon Technology (màn hình LCD)…

Theo World’s Top Exports,
Chân Hồ

(*) Tham khảo: CIA, IMF, WTEx,…

Xem thêm: