Vấn đề chất lượng khẩu trang được đặt ra khi có thông tin các tổ chức, cá nhân tự nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang.

san xuat khau trang
Một xưởng sản xuất khẩu trang y tế ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Pgallery/Shutterstock)

Trong công văn hỏa tốc chiều 5/5 do Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố, cơ quan này yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị cũ về để sản xuất khẩu trang.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, một số trang thông tin điện tử phản ánh hiện tượng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dây chuyền để sản xuất khẩu trang, tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu các dây chuyền cũ, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan như Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính rà soát hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tổng cục yêu cầu Cục Quản lý thị trường tại các địa bàn biên giới phối hợp với cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến đường giáp ranh khu vực biên giới để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là gần 416 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Riêng trong 19 ngày đầu tháng 4, số lượng khẩu trang xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD (chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu).

Theo các hồ sơ khai báo, khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam được xuất đi một số thị trường như Nhật Bản 32,7 triệu chiếc; Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc; Đức 11,1 triệu chiếc; Mỹ 10,4 triệu chiếc; Hong Kong 4,1 triệu chiếc; Singapore 1,8 triệu chiếc; Ba Lan 1,5 triệu chiếc; Australia 1,5 triệu chiếc; Trung Quốc 1,5 triệu chiếc; Lào 1,2 triệu chiếc; Nam Phi 1,1 triệu chiếc…

Cùng trong tháng 4, Bộ Công Thương lưu ý khẩu trang là một mặt hàng mang tính thời vụ, tính ổn định không cao. Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi nhu cầu khẩu trang cũng sẽ giảm xuống, do đó, việc đầu tư quy mô cần cẩn trọng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cần lưu ý thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Sơn Nguyên