Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Đỗ Việt Đức cho biết 27 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng hơn 20 đơn vị không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. 

xuat khau gao 1
Nhiều gói thầu mua gạo dự trữ bị doanh nghiệp hủy bỏ, trong khi hạn ngạch xuất khẩu không đáp ứng đủ nhu cầu cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Ingehogenbijl/Shutterstock)

Chọn gói thầu dự trữ gạo quốc gia hay xuất khẩu gạo?

Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho hay từ ngày 12/3, đơn vị này mở thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho năm 2020 (178.000 tấn đã trúng thầu) nhưng đến ngày 14/4, chỉ mua được 7.700 tấn gạo, bằng 4% kế hoạch được giao.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan – Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia có tên trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4.

Như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu các gói thầu với tổng 4.500 tấn gạo, chưa ký hợp đồng, nhưng đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu nhiều gói thầu cung cấp dự trữ quốc gia với tổng 17.940 tấn, nhiều gói đã từ chối ký hợp đồng. Công ty này đã đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Ngoài ra có hai đơn vị là Công ty CP Vĩnh Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh nằm trong danh sách trúng thầu với Cục dự trữ Quốc gia khu vực nhưng chưa ký hợp đồng. Cả hai đã đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo.

Việc các doanh nghiệp ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia là vi phạm quy định về đấu thầu. Với tổng gạo mua chỉ đạt 4% kế hoạch, thực tế nguồn gạo dự trữ quốc gia đang gặp áp lực rất lớn để đảm bảo nguồn cung theo dự kiến.

Ông Tuấn cho hay mở tờ khai xuất khẩu từ 0h ngày 12/4, có 39 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt mốc 400.000 tấn theo hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4.

Nhiều doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ

Trong khi 400.000 tấn gạo hạn ngạch xuất khẩu tháng 4 nhanh chóng đạt mốc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết tổng cộng 160.300 tấn gạo dự trữ không thể thu mua do doanh nghiệp trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng, theo văn bản gửi Bộ Công thương hôm 10/4.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo cấp thấp đến hết ngày 15/6. Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao thì tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (được biết đến là gạo cấp thấp của giống IR 50404) đến hết ngày 15/6, chỉ cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại Cục dữ trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu.

Tuy nhiên, trong ngày 10/4, Bộ Công Thương vẫn quyết định cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo với tổng khối lượng 400.000 tấn trong tháng 4 theo kế hoạch.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), ở thời điểm các doanh nghiệp bỏ thầu gạo dự trữ quốc giá, giá gạo đang ở mức thấp, nhưng đến thời điểm cần ký hợp đồng thì giá gạo lại tăng.

Với giá thu mua thực tế trên thị trường lên cao, doanh nghiệp phải mua giá cao, bán giá thấp thì sẽ không có lãi hoặc lãi ít. Do đó, nhiều doanh nghiệp dù đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không muốn ký hợp đồng. Việc Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường nhằm khiến giá gạo trên thị trường trong nước thấp xuống, khiến doanh nghiệp thực hiện cung cấp gạo cho dự  trữ quốc gia.

Ngày 13/4, hàng loạt đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ra thông báo hủy kết quả trúng thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia do các nhà thầu không đến ký hợp đồng, từ chối thương thảo hợp đồng.

Trong đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020, gồm các nhà thầu: Công ty cổ phần thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty Cổ phần lương thực  Cao Lạng, Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, Công ty Cổ phần lương thực Hà Nam Ninh, Công ty TNHH Phát Tài. 

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp gạo dự trữ. Các nhà thầu Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (1.200 tấn), Công ty TNHH Phát Tài (1.200 tấn), Công ty CPTM Minh Khai (1.200 tấn), Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (2.300 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (2.600 tấn), Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng (1.300 tấn).

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu 8 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020, gồm Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (1.020 tấn), Công ty CP Lương thực Cao Lạng (880 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (1.150 tấn), Công ty TNHH Thương Mại Chương Tho (1.150 tấn), Công ty CP Thương mại Minh Khai (2.300 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (1.180 tấn), Công ty Cổ phần Lương thực Thái Nguyên (1.180 tấn).

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng thông báo hủy kết quả trúng thầu các gói thầu cung cấp 8.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 tại các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng.

Các nhà thầu gồm: Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (1.400 tấn), Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai (1.200 tấn), Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (1.000 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (1.200 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (1.000 tấn).

Cục Dự trữ nhà nước khu vực Tây Nam Bộ thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020, tổng 4.500 tấn gạo, gồm: Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (1.500 tấn), Công ty TNHH XNK Lương thực Bình Minh Hai (2.200 tấn), Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng (800 tấn).

Cục Dự trữ thu hồi tổng cộng gần 600 triệu đồng tiền bảo đảm dự thầu, nộp ngân sách.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên thông báo hủy kết kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 10.500 tấn gạo Nam Bộ nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020, gồm các nhà thầu: Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CPLT Cao Lạng, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, Công ty CP XNK lương thực Thành Sang, Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh.

Tổng số tiền bảo đảm dự thầu được thu nộp vào ngân sách nhà nước là trên 1,7 tỷ đồng.

Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn thông báo hủy thầu đối với 6 gói thầu thuộc dự án mua 8.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 của Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn.

Các nhà thầu gồm Công ty CP lương thực Cao Lạng, Công ty CP Lương thực Yên Bái, Công ty TNHH TM Chương Tho, Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, Công ty CP TM Minh Khai.

Cục Dự trữ nhà nước khu vực Nam Trung Bộ thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020, do nhà thầu từ chối hoàn thiện ký kết hợp đồng cung cấp gạo, gồm Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang, Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang, Công ty CP TM&DL Bắc Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh.

Cục Dự trữ nhà nước khu vực TP.HCM thông báo hủy thầu 6 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 do các nhà thầu từ chối ký hợp đồng và không có nhà thầu trúng thầu (giá dự thầu vượt giá gói thầu và không tham gia chào lại giá).

Trước đó, ngày 11/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 với tổng cộng 5.700 tấn gạo do nhà thầu từ chối ký hợp đồng, gồm Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (1.000 tấn), Công ty CP Lương thực Cao Lạng (1.000 tấn), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (1.800 tấn), Công ty TNHH Phát Tài (1.000 tấn), Công ty CP Mỹ Tường, (900 tấn).

Tổng số tiền bảo lãnh dự thầu bị thu hồi là 798 triệu đồng.

Sơn Nguyên