Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân, nếu huy động được số tiền này vào chứng khoán, trái phiếu, gửi tiết kiệm… sẽ giải quyết được bài toán về vốn cho các cá nhân và doanh nghiệp.

chuyen gia WB ong ketut kusuma
Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn của WB chia sẻ tại diễn đàn hôm 21/8. (Ảnh: Bizlive.vn)

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 21/8, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của WB – ông Ketut Kusuma cho biết có đến 70% nguồn vốn hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam là vốn ngắn hạn.

Trong khi đó, vốn dài hạn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp tư nhân vẫn còn rất hạn chế do tính minh bạch chưa cao. Điều này đã khiến thị trường vốn Việt Nam bị mất cân bằng.

Do đó, các chuyên gia đến từ WB cho rằng việc phát triển thị trường chứng khoán và thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp để huy động được nguồn vốn dài hạn.

Để làm được điều đó, chứng khoán Việt Nam cần hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư hơn nữa từ các nhà đầu tư nước ngoài lẫn dòng tiền nhàn rỗi trong dân chúng.

Theo chuyên gia của WB, Việt Nam hiện đang có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân chưa được huy động hết, đây là một tiềm năng rất lớn.

Vấn đề đặt ra, theo ông Kusuma, là làm sao huy động được nguồn vốn nhàn rỗi này trong dân chúng để họ yên tâm đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi tiết kiệm… Khi đó sẽ giải quyết được bài toán về huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu vay của người dân.

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia WB đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch thông tin; cải tổ thị trường trái phiếu Chính phủ; thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua việc mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng…

Tường Văn

Xem thêm: