Là một trong sáu nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ trong nhiều năm, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc lần này, liệu Việt Nam có tranh thủ vận động được ông chủ nhà trắng để bảo vệ được kim ngạch thương mại Việt Mỹ?

Việt Nam là một trong 6 nước mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn nhất. Năm 2016, Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ là 32 tỷ USD, riêng 5 tháng đầu năm 2017 là 12,2 tỷ USD. Với quyết tâm “giành lại việc làm cho người Mỹ”, đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Dolnald Trump  đã yêu cầu rà soát thâm hụt thương mại với các nước để đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế, trong đó có Việt Nam. Về phía Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được các nguy cơ ảnh hưởng thương mại với Mỹ và đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó, bao gồm cả việc tiếp cận ông Trump.

Việt Nam tìm nhiều cách để tiếp cận ông Trump

Cuộc gặp giữa Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Dolnald Trump vào tuần trước đánh dấu thành công lớn trong hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam. Ông Phúc là lãnh đạo đầu tiên đến thăm chính thức Nhà Trắng trong khu vực Đông Nam Á – nơi mà Mỹ đang tranh đấu với Trung Quốc để gây tầm ảnh hưởng lên khu vực – vốn có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu và nắm giữ vị trí địa chính trị rất quan trọng.

Từ khi ông Trump lên nắm quyền, Việt Nam đã tranh thủ vận động hành lang với sự tham gia của Bộ ngoại giao, các giới chức cấp cao. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng đã tham gia giúp vận động. Có thông tin Việt Nam thuê công ty vận động hành lang ở Washington là Podesta Group với mức giá 30.000 USD/tháng cho chiến lược này.

Vào thời điểm Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, và có các hoạt động bất chấp tại Biển Đông, Việt Nam đã chủ động liên hệ với Hoa Kỳ nhằm tái cân bằng quan hệ trên Biển Đông. Đây được đánh giá là một bước đi khá khôn khéo. Việc ông Trump lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là một điểm thuận lợi để kết chặt giao thương hai nước.

Trong một tuyên bố chung được công bố vào hôm thứ Tư 31/5, ông Phúc bày tỏ quan tâm đến việc mua thiết bị phòng thủ từ Hoa Kỳ, gồm cả tàu hải quân đánh chặn. Hai nhà lãnh đạo cũng xem xét khả năng chuyển tàu sân bay và tàu thăm dò Mỹ ghé thăm Việt Nam và mở rộng hợp tác giữa hai lực lượng lượng hải quân và tình báo. Gần đây, Hoa Kỳ đã gửi sáu tàu tuần tra bờ biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và một tàu đánh chặn Hamilton.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ có mặt ở Việt Nam vào tháng 11 để tham gia hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), điều mà ông Phúc nói là cơ hội tốt để Hoa Kỳ khẳng định vai trò tích cực của mình trong khu vực.

Tuy vậy, thâm hụt thương mại vẫn là rào cản lớn

Đại diện bộ thương mại Mỹ ông Robert Lighthizer nói thách thức lớn nhất cho quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước chính là vấn đề thâm hụt thương mại, Việt Nam là thị trường thâm hụt thương mại lớn thứ sáu của Mỹ, trong vòng 10 năm mức thâm hụt đã tăng lên 32 tỷ USD từ mức 7 tỷ USD năm 2006.

Khi hai nhà lãnh đạo bắt đầu cuộc đàm phán chính thức, cũng như cuộc gặp với Hàn Quốc trước đó, ông Trump đã nhanh chóng nhấn mạnh sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước.

“Chúng tôi đang có thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam, hy vọng sẽ cân bằng trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng tôi hy vọng có thể làm được điều đó”, ông Trump nói.

Ngoài ra, những rào cản về chính sách và tự do hoá thị trường tại Việt Nam cũng là điều mà Mỹ quan ngại. Trang tin tức VOA Hoa Kỳ cho biết, những nông dân nuôi lợn ở Mỹ muốn Việt Nam mở cửa thị trường thịt lợn – vốn là thị trường thịt lớn thứ hai ở Châu Á; các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thì đang quan tâm đến việc bị buộc phải đưa các hoạt động thanh toán qua kênh độc quyền nhà nước; những hạn chế cản trở việc phát triển quảng cáo trực tuyến; hoạt động mua sắm của chính phủ không rõ ràng…

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, vấn đề thâm hụt thương mại không hẳn là nhân tố quyết định giữa quan hệ hai nước. Chuyên gia về Việt Nam Jonathan London thuộc Đại học Leiden nói: “Trong khi Mỹ sẽ cố giải quyết sự bất cân đối, mối quan hệ này không chỉ xoay quanh thương mại. Đây là chuyện về trật tự kinh tế và an ninh trong tương lai ở khu vực Châu Á”.

Vì vậy, mặc dù các hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ chỉ có giá trị 8 tỷ USD, bằng ½ so với con số ước tính ban đầu là 15-17 tỷ USD nhưng đây cũng là một chuyến đi được đánh giá là “chưa có đột phá nhưng có kết quả”. Ít ra nó cũng khẳng định được sự nỗ lực của hai quốc gia trong việc thúc đẩy thương mại, tăng cường giao bang.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: