Mặc dù đã áp thuế tự vệ để bảo vệ ngành thép trong nước nhưng trong 8 tháng đầu năm 2016 sản lượng thép nhập khẩu lên tới 12,38 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015. Tiêu thụ thép nội địa suy giảm mạnh trước cơn lốc hàng nhập khẩu giá rẻ hơn từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

(Ảnh: baomoi.com)
(Ảnh: baomoi.com)

Việc áp thuế tự vệ đối với các mặt hàng nhập khẩu được các nước sử dụng khá phố biến để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Tại Việt Nam thép là ngành hàng đầu tiên được áp thuế tự vệ và tính hiệu quả chính sách bảo hộ này vẫn đang trong quá trình xem xét.

Áp thuế tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước nhưng chính doanh nghiệp trong nước lại không đồng thuận

Với mục tiêu bảo vệ ngành thép trong nước trước cơn lốc thép giá rẻ trên thế giới, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc “áp thuế tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu”.  Quyết định được áp dụng tạm thời từ ngày 22/3/2016 và được điều chỉnh để tiếp tục chính thức thực hiện từ ngày 2/8/2016.

Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép, các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp tự chủ phôi thép như Tập đoàn Hòa phát, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… ủng hộ hoàn toàn việc áp thuế chống phá giá lên thép thành phẩm cũng như phôi thép.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không tự chủ về phôi và phải mua ngoài toàn bộ phôi như Công ty ống thép Việt Đức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu,… kịch liệt phản đối việc áp thuế tự vệ lên phôi thép vì đây là nguyên liệu đầu vào của nhà máy. Nhóm này trong năm 2015 đã phải nhập khẩu 1.900 tấn phôi thép để phục vụ sản xuất, tương đương gần 500 triệu USD.

Điều đáng nói là chính sách trên được ban hành trong bối cảnh Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về phôi thép cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa.

>> Những câu hỏi đằng sau việc phê duyệt dự án thép Hoa Sen ở Ninh Thuận

Thực tiễn gần 6 tháng kể từ áp dụng thuế tự vệ, khối lượng thép nhập khẩu tăng đột biến

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, khối lượng thép nhập khẩu lên tới 12.36 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015.

thue-tu-ve-phoi-thep-h-1

Thép nhập khẩu giá rẻ vẫn đang ồ ạt tràn vào Việt Nam, lấn sân khu vực sản xuất nội địa. Sang tháng 6, lượng tồn kho thép nội địa bắt đầu dâng cao do tiêu thụ kém đi. Trong 8 tháng đầu năm, tồn kho thép biến động tăng thêm gần 350 tấn. Trong tháng 6, tháng 7 sản lượng thép sản xuất ra gấp 1,5 lần so với khối lượng tiêu thụ được.

thue-tu-ve-phoi-thep-h-2

Có phải thép nội tồn kho tăng cao do cầu kém? Câu trả lời là “Không”, thép Việt bị hàng nhập khẩu giá rẻ dồn ép trên chính sân nhà. Theo Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, giá thép bán trên thị trường tháng 8 trung bình ở mức 11.900 – 14.250 đồng/kg, không biến động nhiều so với mức giá đầu năm là 12.600 – 13.800/kg. Tuy nhiên chênh lệch giá bán giữa các loại thép tăng đáng kể (dao động khoảng 18%) so với mức đầu năm là 9%. Trên thực tế, nhiều dòng thép trôi nổi bán trên thị trường với giá rất thấp, chênh tới 20% so với các dòng thép nội.

thue-tu-ve-phoi-thep-h-3

Dù đã áp thuế tự vệ, ngành thép vẫn thua ngay trên sân nhà. Nhìn vào khối lượng và trị giá nhập khẩu thép có thể thấy giá trung bình của 1 tấn thép nhập khẩu về Việt Nam không biến thiên cùng chiều với giá thép trên thị trường quốc tế. Phải chăng có sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu thép nhập hay sự thay đổi giá kê khai nhập khẩu so với giá trị thực tế? Trên thực tế, các doanh nghiệp chuyển từ nhập phôi (thuế suất 23.3%) sang nhập khẩu thép thành phẩm (thuế suất 15.4%).

thue-tu-ve-phoi-thep-h-4

Áp thuế tự vệ với nguyên liệu đầu vào sẽ nhen nhóm hình thành độc quyền ngành

Thuế tự vệ với thép thành phẩm được toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất thép hoan nghênh. Tuy nhiên các doanh nghiệp thương mại đơn thuần không nghĩ như vậy. Trong năm 2015 -2016, giá thép lao dốc trên thị trường quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc và Nga là hai nước có nguồn tài nguyên sắt lớn nhất. Các doanh nghiệp thương mại tìm mọi cách nhập khẩu thép về nước. Giá thép thế giới hạ thì họ kiếm lời nhiều, giá đứng im cũng vẫn mang lại lợi nhuận. Hiện tại mức thuế 15.4% vẫn đang hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh việc nhập thép thành phẩm về thị trường nội địa.

Ngược lại với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thép thành phẩm, các doanh nghiệp gia công thép gặp nhiều khó khăn do trong nước không đủ nguồn phôi thép. Các doanh nghiệp như Gang thép Thái Nguyên, Hòa Phát chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu phôi thép trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp gia công thép vẫn phải dựa vào nhập khẩu phôi từ nước ngoài. Đơn cử trong 6 tháng đầu năm 2016, Hòa Phát cung ứng 140 tấn phôi thép cho thị trường trong nước, đây là lượng cung quá nhỏ cho 38 doanh nghiệp thép Việt. Chi phí nguyên liệu phải tăng thêm 23.3% do thuế tự vệ đang khiến các doanh nghiệp gia công thép  phải dừng hoạt động hay chuyển đổi sang nhập thép thành phẩm.

Gần đây nhất, hai sự kiện trên thị trường thép cũng cho thấy phần nào diễn biến chuyển dịch ngành:

Hiện tượng SMC mang lại lợi nhuận lớn trên thị trường chứng khoán. SMC là một công ty phân phối thép với vốn điều lệ chỉ có 295 tỷ đồng nhưng riêng 6 tháng đầu năm nay, SMC đã đạt doanh thu 4650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ đồng. Thực tế quả là vậy, buôn thép lãi hơn sản xuất thép nhiều lần.

Siêu dự án Thép Cà Ná – Ninh Thuận của Tập đoàn Tôn Hoa Sen với câu nói bất hủ của ông Lê Phước Vũ “Ngu gì mà không làm thép” diễn ra trong bối cảnh muốn làm ăn ở trong ngành thép chỉ có con đường phải tự chủ về phôi thép.

Với trữ lượng quặng sắt hạn chế, nền sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về phôi thép, thì việc áp thuế tự vệ đối với nguyên liệu đầu vào của ngành thép là không hợp lý. Với chính sách hiện tại, sau 4 năm thực hiện áp thuế tự vệ, có lẽ tồn tại trên thị trường sản xuất thép chỉ còn lại vài ba doanh nghiệp.

Là ngành đầu tiên thực hiện áp thuế tự vệ, nhưng chính sách không phù hợp với cơ cấu sản xuất ngành thép, cấu trúc thị trường ngành đang hủy hoại đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất nội địa, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ thép đang dư thừa từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nguyên Hương

Xem thêm: