Bộ trưởng có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong sự thua lỗ yếu kém của các siêu dự án trong thời gian qua? – Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong buổi chất vấn Quốc hội sáng 15/11.

Đâu là những sai phạm và đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản trị? Đặc biệt đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý NN trong việc quản lý đầu tư? – Đại biểu Sinh chất vấn về hiện trạng quản lý đối với các dự ngàn tỷ, song đến nay bị “đắp chiếu” do càng sản xuất thì càng thua lỗ.

hoabinh
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về những dự án “ngàn tỷ” đắp chiếu vào sáng 15/11. (Ảnh chụp màn hình/chinhphu.vn)

Dự án nghìn tỷ mà lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự tổ chức đầu tư, thực hiện dẫn đến thua lỗ thì trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu?”, đại biểu Sinh chất vấn, đồng thời nêu rõ trong đó không loại trừ các hành động cố ý sai phạm trong quản trị.

Trước tình trạng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng tính hiệu quả kinh tế của các nhà máy thì không còn, Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay nguyên nhân là do “hạn chế về nhân lực“. Nhưng điều này cũng chỉ được chỉ ra sơ lược so với hai điểm chung còn lại mà ông nêu ra.

Thứ nhất, các dự án này đều có quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn của dự án đầu tư đã được thẩm định và phê duyệt. Ví dụ, dự án Xơ sợi Đình Vũ, hay xăng ethanol Phú Thọ hoặc dự án đạm Ninh Bình. Thậm chí dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài đầu tư mà cho tới nay còn không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.

Thứ hai, một điểm chung của tất cả các dự án này là đều rơi vào thời điểm có những biến động của thị trường thế giới. Khi kéo dài quá lâu và vượt quá thời hạn của chủ trương đầu tư và của dự án phê duyệt đầu tư khiến bị thị trường thế giới tác động, cụ thể, thị trường nguyên nhiên liệu, thị trường hàng hóa của thế giới có biến động“.

BTBoCongthuong Tuan Anh2 1
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn. (Ảnh chụp màn hình/chinhphu.vn)

Ông Tuấn Anh nêu ví dụ, ngành dầu khí, những sản phẩm dầu thô từ mức giá hơn 100 USD/thùng – 147 USD/thùng (trước 2008) giảm xuống hiện chỉ còn khoảng trên 40 USD/thùng. Việc này ảnh hưởng tới tính khả thi của dự án. Như dự án xơ sợi không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại được khấu hao và có giá thành rất thấp của các sản phẩm xơ sợi của bên ngoài nhập vào có nguyên liệu từ nguồn dầu mỏ .v.v…

Thứ ba là những hạn chế tồn tại. Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng kém hiệu quả, tồn đọng, vướng mắc, thậm chí là cả những vi phạm“.

Ông Tuấn Anh cho biết, chủ đầu tư theo phân cấp theo pháp lý và về mặt thể chế thì là các tập đoàn, các tổng công ty 91. Khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của chính phủ, đây đều là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý về dự án đầu tư. Với tư cách là chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt về phương án đầu tư, công nghệ, các chức năng giám sát, nhà thầu…

Nhưng năng lực của nguồn nhân lực này là còn hạn chế, trước tiên là từ các ban quản lý dự án và của các đối tượng trực tiếp quản lý dự án.

Tiếp đến là “hạn chế về năng lực của chúng ta trong việc tổ chức đàm phán ký kết và quản lý các hợp đồng để thực hiện các dự án này, trong đó có cả năng lực của các nhà thầu nước ngoài“.

Hạn chế về nguồn nhân lực trong điều kiện của chúng ta dẫn tới các dự án này bị kéo dài“, ông Tuấn Anh kết luận.

Cho tới nay, các dự án như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình… thì đều tồn tại vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn. Giả sử các dự án đó được vận hành thương mại thì cũng không có đủ điều kiện để cạnh tranh, thậm chí một số dự án thì doanh thu không đủ bù cho chi phí“.

5 dự án – 32,2 ngàn tỷ

Tuần qua, Bộ Công Thương đã đưa báo cáo giải trình trước Quốc hội về 5 dự án ngàn tỷ “đắp chiếu”, gồm Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Dung Quất.

Theo Bộ Công Thương, ngoài 5 dự án này, còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc, nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn nhà nước và xã hội.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, kém hiệu quả ở năm dự án trên, Bộ Công Thương nêu những lý do như: thực trạng dự án khác xa tính toán ban đầu, quá trình điều hành thực hiện của chủ đầu tư và cấp quản lý chưa đến nơi đến chốn… Tuy nhiên, những nguyên nhân mà Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo được nhận định là quá sơ sài, không đi vào những sai phạm cụ thể.

Cụ thể, xét riêng về dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc chỉ định thầu để Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm đã vi phạm Luật Đấu thầu. Theo báo cáo kết luận, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngừng thi công dự án từ tháng 11/2011 và khó có thể tiếp tục thực hiện.

Nhà máy có tổng diện tích xây dựng dự án 50 ha, tổng đầu tư 2.200 tỷ. Dự án đã đầu tư xong, đã thanh toán 2.124 tỷ đồng nhưng chưa quyết toán. Bốn năm nay, nhà máy hầu như không đi vào hoạt động. Năm 2014, nhà máy này lỗ 164 tỷ đồng.

Một góc của Nhà máy Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Nhà máy có tổng diện tích xây dựng dự án 50 ha, tổng đầu tư 2.200 tỷ, nhưng 4 năm nay không đi vào hoạt động. (Ảnh: poshaco.com)
Một góc của Nhà máy Nhà máy Ethanol Phú Thọ sau khi nhà thầu PVC dừng thi công. (Ảnh: poshaco.com)

Trong dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ có vốn 325 triệu USD, kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 10 cũng cho thấy có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Báo cáo cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng bị trục trặc, hỏng hóc. v.v…

Điều này dẫn đến chi phí tăng cao. “Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD” – báo cáo nêu.

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết 5 dự án nêu trên đều được phê duyệt dưới chủ trương đầu tư của Bộ Đầu tư từ những năm 2003-2008 kéo dài cho đến tận nay, trong nhiều lĩnh vực về xơ sợi, phục vụ công nghiệp dệt may, đến đạm cho sản xuất phân bón, xăng ethanol (xăng sinh học), gang thép.v.v… Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc vì các dự án ngàn tỷ trên đang thua lỗ kéo dài trong khi người dân vùng sâu vùng xa lại đang cần được đầu tư.

5 dự án ngàn tỷ thua lỗ, có nguy cơ phá sản được nêu trong báo cáo của Bộ Công thương:

  1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ: tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư.
  2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất: tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung. Đây là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia.
  3. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
  4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An): tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco theo Quyết định 731 của Thủ tướng.
  5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình: tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Lê Trai

Xem thêm: