Tình hình chi tiêu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 5 tháng đầu năm 2018 vẫn chưa có dấu hiệu cải biến khi chi thường xuyên và chi trả nợ trong và ngoài nước đang chiếm tỷ trọng rất lớn, còn chi cho đầu tư phát triển thì nhỏ giọt.

tien vnd 8 getty
Gánh nặng chi thường xuyên vẫn còn rất lớn. (Ảnh: Adam Young/Gettyimages)

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 549 ngàn tỷ đồng, còn chi ngân sách gần 527 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 72% tổng chi với 379 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, các khoản chi thường xuyên nuôi bộ máy quản lý vẫn không có dấu hiệu giảm theo chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ mà lại còn tăng thêm.

Tính bình quân, ngân sách cứ thu 100 đồng, thì hết khoảng 70 đồng dùng để chi cho bộ máy quản lý. Đây chính là gánh nặng đang đè lên ngân sách mà Chính phủ nếu không cải thiện được việc tinh gọn bộ máy, việc tìm đến các giải pháp tăng thuế như thời gian qua chỉ khiến làn sóng phản đối trong dư luận càng thêm lan tràn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi đưa ra đề xuất tăng các loại thuế ước tính sẽ thu về thêm cho ngân sách khoảng vài chục ngàn tỷ mỗi năm.

Trong khi trên thực tế, chỉ cần giảm được 10% các khoản chi thường xuyên thì đã giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn thu mà không cần đến biện pháp tăng thuế đánh vào túi tiền người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các biện pháp tăng thuế hoặc đề xuất đánh thuế tài sản gần đây đã được Bộ Tài chính đưa ra như một cách để bù đắp thiếu hụt nguồn thu, mà mới nhất là đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu nếu không có gì thay đổi sẽ chính thức đi vào hiệu lực trong đầu tháng 7 tới.

Bên cạnh việc chi tiêu ngân sách thiếu hợp lý, áp lực từ nghĩa vụ chi trả các khoản nợ vay trong và ngoài nước cũng đang là vấn đề gây áp lực không hề nhỏ lên ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh tình hình các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả vẫn chưa được cải thiện (mới đây là đề xuất được khoanh nợ của Vinachem – một trong hai cái tên đứng đầu bảng lỗ), ngân sách đang bị “rỉa” vụn, khiến nợ công duy trì ở mức cao. Nếu như vào 15 năm trước nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP, thì hiện đã tiệm cận ngưỡng báo động 65% GDP.

Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền chi trả nợ trong và ngoài nước 5 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam là hơn 85.800 tỷ đồng, chiếm 16% tổng thu ngân sách.

Như vậy, tổng số tiền chi trả nợ lẫn chi nuôi bộ máy hoạt động đã chiếm đến 85% tổng thu ngân sách, tức thu được 100 đồng thì hết 85 đồng dùng vào việc trả nợ và chi phí cho bộ máy hoạt động “cồng kềnh” của Chính phủ, và chỉ có chừng 15 đồng được chi cho đầu tư phát triển.

Chân Hồ

Xem thêm: