Những người biểu tình phản đối Tổng thống Daniel Ortega đã xuống đường hôm 16/3, yêu cầu chính quyền xã hội chủ nghĩa thả tự do cho các tù chính trị. Động thái này làm gia tăng sức nóng lên cuộc khủng hoảng chính trị tại Nicaragua đã kéo dài từ tháng Tư năm ngoái.

Embed from Getty Images

Cảnh sát chống bạo động Nicaragua ngăn cản phóng viên quốc tế tác nghiệp và trấn áp người biểu tình chống chỉnh phủ tại thủ đô Managua hôm 16/3/2019. (Ảnh: MAYNOR VALENZUELA/AFP/Getty Images)

Các nhà tổ chức biểu tình và nhân chứng nói với Reuters rằng một số người biểu tình tập trung tại nhiều điểm tại thủ đô Managua đã bị cảnh sát đánh đập. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đánh thường dân. Từ tháng 11/2018, lực lượng an ninh chính phủ Nicaragua đã thực thi lệnh cấm biểu tình ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 16/3, cảnh sát quốc gia Nicaragua bảo vệ việc bắt giữ 107 người biểu tình bằng cách lập luận rằng những người bị bắt giữ này đã tham gia vào các cuộc biểu tình “không được  cấp phép và hành động đó đã làm gián đoạn trật tự công cộng và hoạt động kinh doanh địa phương.”

Tuyên bố nêu trên cũng lưu ý thêm rằng tất cả những người bị bắt hôm 16/3 đã được thả tự do sau khi có yêu cầu từ đại diện của Tòa thánh Vatican tại Nicaragua.

Cuộc khủng hoảng của CNXH

Tất cả ba thành trì chủ nghĩa xã hội tại Mỹ La-tinh – Venezuela, Nicargua và Cuba – đều đã bị sa lầy vào tình trạng bất ổn khi nền kinh tế của họ sụp đổ dưới gánh nặng của các chính sách chủ nghĩa xã hội.

Các cuộc biểu tình tại Nicaragua bùng phát từ tháng Tư năm ngoái khi chế độ Ortega chuyển sang chính sách giảm phúc lợi xã hội. Sau đó, các cuộc biểu tình đã leo thang thành sự phản đối chính quyền Ortega sâu rộng hơn.

Ông Daniel Ortega, cựu lãnh đạo du kích Mác-xít thời Chiến tranh Lạnh, trở thành lãnh đạo độc tài cộng sản tại Nicaragua hơn một thập kỷ trước khi bị lật đổ vào năm 1990. Với sự hỗ trợ tài chính của Tổng thống Venezuela Hugo Chavaz cho chiến dịch tranh cử, ông Ortega đã trở lại vị trí quyền lực tối cao tại Nicaragua sau cuộc bầu cử năm 2006.

Gia đình Ortega thiết lập một hệ thống tập trung quyền lực, trao các hợp đồng kinh tế béo bở cho bộ sậu thân tín với gia đình này. Bất chấp các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ đầu năm 2018, gia đình độc tài này cho tới nay vẫn trụ vững trên đỉnh cao quyền lực tại Nicaragua.

Theo số liệu từ các nhóm nhân quyền, từ tháng 4/2018 tới nay đã có hơn 320 thường dân Nicaragua bị giết và khoảng 600 người bị bắt do tham gia biểu tình phản đối chính quyền Ortega.

Chính quyền Ortega hôm 15/3 đã thả tự do cho 50 tù chính trị sau khi phe đối lập yêu cầu chính phủ phải thả nhiều tù chính trị hơn nữa trước khi nối lại các cuộc đàm phán chính trị.

Vào tháng Hai, chính quyền Ortega cũng đã thả tự do cho 100 tù chính trị khi họ tiến hành một cuộc đối thoại chính trị với phe đối lập.

Tháng trước, Tổng thống Ortega đã nói rằng ông sẵn sàng cải cách các thể chế nhà nước trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2021.

Dự đoán của ông Trump

Khi khủng hoảng kinh tế và chia rẽ chính trị bùng phát tại Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự đoán rằng Cuba và Nicaragua sẽ theo sau.

Năm 2018, chính quyền Trump đã gắn nhãn Venezuela, Cuba và Nicaragua là “bộ ba chuyên chế” tại Mỹ La-tinh. Tháng 11/2018, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nói rằng các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa tại ba quốc gia này là “nguồn gốc của cái nôi bẩn thỉu của chủ nghĩa cộng sản tại Tây Bán cầu.”

Phát biểu tại Miami, Florida hôm 18/2, Tổng thống Trump đã nói: “Thời khắc hoàng hôn của chủ nghĩa xã hội đã đến tại tây ban cầu của chúng ta, thẳng thắn mà nói cũng là ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Những ngày cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không chỉ ở Venezuela mà còn ở Nicaragua và Cuba.”

Thực tế, vào ngày 23/2 người dân Cuba đã xuống đường tại thủ đô Havana để phản đối hiến pháp mới của chế độ cộng sản. Đây là một sự kiện hiếm thấy tại nhà nước cảnh sát xã hội chủ nghĩa này.

Hiến pháp mới của Cuba tuyên bố rằng “Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo xã hội Cuba mãi mãi” và chủ nghĩa xã hội là “không thể đảo ngược.”

Mặc dù chính quyền Cuba đã công bố tổ chức trưng cầu dân ý hiến pháp mới thành công, nhưng phe đối lập không thừa nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu này. Phe đối lập cho biết ít nhất hàng chục tình nguyện viên tới giám sát các địa điểm bỏ phiếu đã bị bắt giam. Một đoạn video phát tán rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông đã bỏ nhiều lá phiếu vào hòm phiếu.

Ông Bolton đã cáo buộc Cuba chống lưng cho chế độ Maduro tại Venezuela. Một cựu sĩ quan quân đội Venezuela đã nói trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ rằng có gần 92.700 viên chức cộng sản Cuba đang làm việc trong bộ máy chính quyền Venezuela.

Ông Bolton kêu gọi các nước khác trong khu vực hãy “để cho chế độ Cuba biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho áp bức tiếp diễn tại Venezuela.”

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng kêu gọi tổ chức “bầu cử tự do, công bằng và sớm” tại Nicaragua.

“Từ nay cho tới khi đó [tổ chức bầu cử], cũng như Venezuela và Cuba, chế độ Nicaragua sẽ cảm nhận sức nặng đầy đủ của chế độ trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ,” ông Bolton nói.

Theo The Epoch Times,

Tân Bình