Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết người lao động sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài khi đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần trong những tháng tới trong khi các thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu vẫn chưa khôi phục. Tháng 7, 8, 9 có thể sẽ là đỉnh điểm của việc người lao động mất việc.

cong nhan pouyuen
Công nhân tại công ty PouYuen Việt Nam (TP.HCM) tan tầm hồi tháng 4/2020. Tháng 6 và 7/2020, gần 9.000 công nhân tại đây phải nghỉ việc do thiếu đơn hàng. (Ảnh: Huy Thoai/Shutterstock)

Quý 2/2020: Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê được công bố vào ngày 10/7 cho hay quý 2/2020 ghi nhận rất nhiều kỷ lục về sụt giảm số lao động, việc làm, thu nhập của người lao động tại Việt Nam.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua với số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2 là 51,8 triệu người (giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao, ở mức 2,97%, tăng 0,76 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm lao động bị thiếu việc làm cao nhất thuộc nhóm nghề “bậc thấp” và người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Thu nhập bình quân tháng trong quý 2 chỉ đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thu nhập của lao động trong quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 5,1%).

Quý 2/2020 cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,3 triệu người (2,73%), tăng 192.800 nghìn người so với quý trước và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp là 410.300 người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (6,98%) cao gấp gần 3,6 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của người trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên).

Tính đến tháng 6/2020, 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… trong đó, 17,6 triệu người bị giảm thu nhập. 

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).

Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8%, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Hôm 16/7, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao như hiện tại, chỉ khoảng 2,56%, so sánh với con số cuối năm 2019 là 1,98%; quy mô lao động của Việt Nam từ 55,4 triệu người giảm xuống còn 51,8 triệu người.

Vẫn chưa tới ‘điểm rơi’ mất việc

Trước nhiều chỉ số sụt giảm nói trên, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay người lao động sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài chứ không chỉ là 6 tháng vừa qua, theo Báo Công an nhân dân ngày 18/7.

Ông Quang cho hay 6 tháng vừa qua chưa phải là đỉnh điểm của mất việc do doanh nghiệp vẫn đang duy trì các đơn hàng đã ký từ trước. Tuy nhiên, đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần trong khi thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu vẫn chưa nối lại được. Tình hình dịch COVID- 19 tại nhiều nước vẫn đang diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số nước đang có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại.

“Khả năng chống chọi của các doanh nghiệp ra sao là vấn đề rất lớn và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập của người lao động, sẽ thể hiện rõ nhất trong tháng 7, 8, 9 tới đây. Đây có thể sẽ là đỉnh điểm của việc người lao động mất việc nhiều hơn”, ông Quang nhận định.

Có quan điểm tương đồng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho hay tình trạng thất nghiệp cao như hiện tại, ngoài bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu còn kèm ở tình trạng hàng hóa không xuất khẩu được.

Theo ông Dung, thời gian qua, việc ngừng việc, giãn việc, thất nghiệp đã xảy ra ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tự do – tác động này nếu không được xử lý sớm, sắp tới, việc thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở những doanh nghiệp FDI, những tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản…

Đối với việc đưa lao động ra nước ngoài, do tình hình các nước chưa phục hồi do COVID-19, trong 6 tháng qua, Việt Nam chỉ đạt 30% kế hoạch xuất khẩu lao động. Trong khi lĩnh vực này thường chiếm tới 10 % tổng số lao động có việc làm hàng năm trong cả nước.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng thừa nhận thời gian qua, một số doanh nghiệp duy trì việc làm của người lao động với mức lương tối thiểu vùng. Nhưng tháng 7, 8 tới, nếu vẫn ảnh hưởng tới doanh thu thì doanh nghiệp sẽ có phương án sắp xếp lại lao động tùy thuộc vào các đơn hàng, tức cho giãn việc, nghỉ việc.

Sơn Nguyên