Nghị trường phiên họp Quốc hội tuần qua tiếp tục diễn biến nóng với nhiều chính sách kinh tế xã hội được Quốc hội thảo luận và thông qua. Đáng chú ý trong đó là đề xuất điều chỉnh giá điện để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãi; và loạt dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đồng loạt xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

evn
(Ảnh minh họa: Shutterstock/MinhHue)

Tăng giá điện ‘để EVN có lãi’

Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của EVN có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính cho phát điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công thương cùng với một số cơ quan liên quan tuần qua đã có cuộc họp về xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2019.

Theo đó, cơ quan quản lý và EVN đi đến quyết định sẽ tăng giá điện trong năm 2019. Bộ Công thương lý giải yếu tố giá nguyên liệu đầu vào (như than, dầu, khí…) tăng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đánh giá những tác động từ dự báo hiện tượng El Nino vào năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thủy điện; các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ cũng là một áp lực đối với EVN. Dẫn tới việc Bộ này phải triển khai kịch bản giá điện 2019 để đảm bảo EVN có lãi, các nhà máy điện tái tạo vận hành đúng tiến độ.

Trước đó vào tháng 7/2018, giá điện bán buôn của EVN trong năm 2018 cũng được điều chỉnh tăng so với năm 2017, lên mức cao nhất 1.658 đồng/kWh, tại TP.HCM.

Như vậy, với quyết định điều chỉnh tăng giá điện này, bộ ba mặt hàng thiết yếu xăng, điện, gas – đánh trực tiếp vào túi tiền người dân – đã leo thang trong năm 2018 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2019.

Thua lỗ nghìn tỷ, ‘xin rút kinh nghiệm sâu sắc’

Tuần qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm điểm của nhiều cán bộ lãnh đạo của tập đoàn này về các sai phạm trong quản lý đầu tư dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ; và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP DAP – Vinachem (Hải Phòng).

Đây là 2 trong số các đại án thua lỗ thuộc ngành Công thương vừa mới được bàn giao về siêu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.

Qua thanh tra, Bộ Công thương phát hiện Dự án DAP Đình Vũ phê duyệt gọi thầu có giá trị vượt hạn mức quy định; có hơn 100 tỷ đồng không được hạch toán vào chi phí vốn đầu tư, trong đó chi phí chạy thử dự án là hơn 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án chậm tiến độ 5 năm so với kế hoạch đã làm tăng chi phí gói thầu.

Trong khi đó, tại Công ty DAP – Vinachem, thanh tra cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giám sát, điều hành sản xuất dẫn đến tồn kho cao; vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu gần 300 tỷ đồng, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trước các kết luận này, hàng loạt các cá nhân, tập thể liên quan đều có biên bản kiểm điểm giải trình các tồn tại hạn chế, đồng thời “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Trong biên bản kiểm điểm, hầu hết đều khẳng định không có bất kỳ tư lợi cá nhân hay lợi ích nhóm, gây thất thoát tài sản nhà nước và xin tự phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm nghiêm túc bản thân.

Cũng trong tuần qua, Bộ Tài chính làm nóng cả bên trong nghị trường lẫn bên ngoài dư luận với đề xuất: Ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản người gửi tiền trong vòng 10 ngày khi được cơ quan thuế yêu cầu.

Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các Đại biểu Quốc hội và dư luận. Trong đó, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng số dư tài khoản ngân hàng không nói lên việc cá nhân, doanh nghiệp có trốn thuế hay không. Do đó, ngành thuế không có cơ sở để đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản người gửi tiền.

Tường Văn

Xem thêm: