Nhận định của đại diện Bộ Tài chính về việc tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người thu nhập thấp gây bức xúc dư luận bởi chưa đánh giá đúng mức độ tác động của việc tăng thuế lên đời sống người dân.

tăng thuế VAT
Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. (Ảnh qua: vietnammoi.vn)

Bộ Tài chính khẳng định tăng VAT không ảnh hưởng tới người thu nhập thấp

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) khi được hỏi về tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu, ông nói: “rau, thịt có chịu thuế giá trị gia tăng đâu”, những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.

Ông cũng dẫn chứng kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 của Tổng cục thống kê cho thấy rằng, đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên.

Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.

“Như vậy, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông Thi nói.

Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng khẳng định, tăng thuế VAT tác động không nhiều đến người nghèo và người thu nhập thấp.

Bà Mai cũng cho biết thêm, y tế không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, các mặt hàng lương thực chỉ đánh thuế VAT rất thấp đối với doanh nghiệp kinh doanh, các mặt hàng nông nghiệp khác đều ở mức thuế suất thấp là 5%, mới đây đề nghị tăng lên 6%.

Tuy nhiên, những nhận định trên đã khiến dư luận thêm bất bình về mức độ hiểu biết của các chuyên gia Bộ tài chính đối với tác động của thuế đối với người dân.

Đa phần các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều chịu thuế

VAT là thuế người tiêu dùng phải trả khi mua một mặt hàng nào đó. Các mặt hàng nông sản hiện nay không chịu thuế VAT.

Tuy nhiên, nếu là sản phẩm qua chế biến thì lại chịu thuế VAT. Ví dụ, con cá bán ngoài chợ thì không chịu thuế VAT, nhưng nếu sơ chế thì đã chịu thêm 5%, cho chút gia vị tẩm ướp thì là 10%. Thịt bò không chịu thuế VAT nhưng bát phở thì có thuế VAT 10%.

Người tiêu dùng tại các khu chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ sẽ không nhận biết rõ ràng về VAT nhưng những người mua hàng tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị rất rõ ràng về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Hậu, Phó giám đốc Siêu thị Fivimart lo lắng, siêu thị phải tính tất cả các loại thuế, thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp,… Hiện nay, người tiêu dùng đã so sánh giá, khi tăng thuế lên, càng so sánh giá hơn. Các kênh phân phối hiện đại sẽ mất khách.

Việc tăng thuế suất VAT đồng loạt có thể tạo ra một vòng xoáy lạm phát khó kiểm soát

Điện, nước, xăng dầu, … đều chịu VAT. Thử hình dung, VAT tăng khiến giá xăng dầu tăng 2%, dẫn đến giá cước dịch vụ vận tải tăng hơn 2% (do xăng chiếm 35% chi phí vận tải và bản thân dịch vụ vận tải cũng chịu tăng thuế), dẫn đến các mặt hàng nông sản rau củ quả gạo lương thực vận chuyển tới chợ cũng phải tăng giá theo. Chi phí sinh hoạt tăng lên, khiến tiền lương tối thiểu cũng áp lực tăng. Chi phí cao, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm.

Thêm vào đó, phân bón, giống má, công nhật tăng khiến giá thành nông sản tăng cao. Đầu vào, chi phí phân phối đều tăng cao khiến giá cả khó kiềm giữ được.

Người dân bức xúc vì tăng VAT là ưu tiên hàng đầu trong đề xuất sửa đổi luật thuế

So với các nước trong khu vực, thuế suất VAT của Việt Nam đã đứng ở mức cao. Cụ thể Singapore là 7%, Thái Lan 6%, … Hơn nữa, tỷ trọng thuế VAT chiếm tới 27,5% tổng ngân sách, thậm chí cao hơn EU nơi mà thuế suất VAT trung bình tới 20%.

Vậy tại sao các sắc thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu,… lại chiếm tỷ trọng nhỏ? Có 3 nguyên nhân khiến các sắc thuế khác không phát huy hiệu quả.

Một là thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khai báo lỗ, chuyển giá để không nộp thuế.

Hai là tình trạng trốn thuế núp dưới hình thức thuế khoán, thuế nhà thầu. Hai triệu hộ kinh doanh cá thể đạt quy mô doanh nghiệp kiên quyết không chuyển đổi hình thức kinh doanh để được hưởng loại hình thuế khoán. Các hình thức liên doanh liên kết cung cấp dịch vụ với nước ngoài để lách thuế, trốn thuế. Điển hình là dịch vụ vận chuyển Grab, doanh thu khách hàng tới 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế chưa đến 10 tỷ  đồng/năm.

Ba là tình trạng buôn lậu, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn ngày càng phát triển. Đặc biệt với sự hỗ trợ của mạng xã hội, các cửa hàng bán hàng trên mạng mọc lên như nấm, doanh thu ngày càng tăng cao nhờ một phần không nhỏ là không phải nộp thuế.

Trong khi các sắc thuế khác không phát huy hiệu quả, nhà nước không có giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy các nguồn thu này, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tăng VAT. Điều này đi ngược với cách đánh thuế tại các nước, đánh thuế người giàu để tạo phúc lợi chung, hỗ trợ người nghèo.

Bên cạnh đó, các khoản chi tiêu của Chính phủ không được điều chỉnh giảm mà liên tục tăng cao qua các năm. Chi ngân sách năm 2015 đạt 1.263 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Chi ngân sách năm 2016 lên tới 1.293 nghìn tỷ đồng, tương đương 106,3% dự toán. Dự chi ngân sách năm 2017 tiếp tục đề xuất 1.390 nghìn tỷ đồng mà không có động thái cắt giảm nào.

Như vậy, Chính phủ đã chưa có giải pháp thiết thực thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt, trong khi lại đề xuất những biện pháp tận thu thuế toàn dân, trong khi nới lỏng thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Nguyên Hương

Xem thêm: