Tổ chức bộ máy quá cồng kềnh với 30 Cục, Vụ, 10 trường Đại học, 22 Trường Cao Đẳng, 11 Tổng công ty Nhà nước, tập đoàn; với tổng mức chi năm 2016 lên tới 2.126 tỷ đồng, việc tái cơ cấu Bộ Công thương lần này được xem là cuộc “đại phẫu thuật”.

tai-co-cau-bo-cong-thuong-2 bo truong tran tuan anh
Việc tái cơ cấu Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là sự cắt giảm nhân sự, chuyển đổi vị trí lãnh đạo. Trong ảnh: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Bộ Công thương hiện đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, nghị định này sẽ được thi hành ngay trước khi sang năm mới 2017.

Việc tái cơ cấu Bộ Công thương lần này được xem là cuộc đại “phẫu thuật” bởi có rất nhiều chia tách, hợp nhất, sáp nhập một số đơn vị của Bộ.

Theo dự thảo, có rất nhiều chia tách hợp nhất với lý do sẽ làm gọn nhẹ hơn bộ máy, số đơn vị trực thuộc Bộ sẽ giảm từ 35 xuống còn 28 đơn vị. Các lao động dư thừa và lãnh đạo yếu kém sẽ cho nghỉ việc. Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu cho Bộ Công thương năm 2017 là giảm 1,5% biên chế so với năm 2016.

Dự kiến khi nghị định này được thông qua, Bộ Công thương sẽ hoàn tất tổ chức bộ máy mới trong quý I năm 2017.

Trao đổi về vấn đề, một nguyên lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM:

“Việc tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó không còn là một cuộc sáp nhập cơ học như trước đây mà sẽ là sự cắt giảm nhân sự, chuyển đổi vị trí lãnh đạo. Việc chọn ai, chuyển ai, bỏ ai sẽ là vấn đề không dễ cho người đứng đầu Bộ. Bối cảnh bây giờ khác với 10 năm trước, sự thay đổi này sẽ là tiền đề để Bộ thay đổi về chất trong quản lý”.

Vị lãnh đạo này cũng cho hay, trở ngại lớn nhất trong lần tái cơ cấu này chính là các cấp lãnh đạo quản lý trong Bộ có chấp nhận hay không? Đặc biệt với khó khăn muôn thưở là con ông cháu cha.

“Trở ngại lớn nhất là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là có đủ dũng khí, không ngại đụng chạm để đưa ra những quyết định cắt giảm nhân sự yếu kém, kể cả khi những người đó là con ông cháu cha không? Nếu không giải quyết được vấn đề này, việc tái cơ cấu khó đạt hiệu quả vì sẽ dẫn tới tình trạng cộng gộp cơ học bộ máy, nội bộ bất hòa”, nguyên lãnh đạo này cho biết.

Ông Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết trên báo Dân Việt: “Việc tinh giản phải thực chất, làm cho bộ máy được kiện toàn và vững mạnh hơn, còn hiện tại mới chỉ là nhập vào chứ không phải trên cơ sở xác định lại chức năng nhiệm vụ, xác định lại biên chế rõ ràng nên nhân sự không có thay đổi nhiều. Theo tôi thì mới chỉ bớt được mấy ghế phó cục, vụ, viện mà thôi”.

Cũng trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) chia sẻ: “Cải tổ như Bộ Công Thương đang triển khai là đúng hướng nhưng theo tôi chưa ăn thua, mới cắt 7 cục, vụ, viện. Giờ Bộ Công Thương có nhiều đơn vị sự nghiệp như viện, trường học, tiêu tốn ngân sách như thế nào cũng cần phải được rà soát lại. Ngoài ra, khối doanh nghiệp của Bộ Công thương quản lý cũng còn lớn”.

Ông Hải cũng nghi ngờ hiệu quả của việc cải tổ lần này bởi vấn nạn con ông cháu cha. Để giải quyết vấn nạn này, ông cho biết: “Tôi được biết, ở Mỹ và một số nước có Luật chống gia đình trị. Do đó Chính phủ, Quốc hội cũng nên tính tới vấn đề này trong thời kỳ hội nhập để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự”.

Rõ ràng việc tái cơ cấu Bộ Công thương sẽ gặp trở ngại lớn là sự đồng ý của quản lý cấp dưới và vấn nạn con ông cháu cha, chỉ khi giải quyết được vấn nạn này thì những cuộc cải tổ như thế mới có hy vọng mang lại hiệu quả.

Trần Hưng (T/h)

Xem thêm: