Ngành luyện Gang Thép là một ngành công nghiệp gây ô nhiễm, tổn hại nhiều tới hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Với một Formosa chưa tiên liệu được hậu quả môi trường khiến cả Miền Trung và nhân dân cả nước gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Để không một dự bản nào của Formosa xuất hiện, bài viết dưới đây sẽ phân tích các tác động môi trường của Siêu dự án Thép khi đi vào hoạt động.

(Ảnh qua baogiaothong.vn)
(Ảnh qua baogiaothong.vn)

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về vụ hải sản chết hàng loạt ở Miền Trung do việc xả thải của công ty Formosa vừa qua cho biết, “Hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số hải sản chết dạt vào bờ khoảng 100 tấn. 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá thiệt hại. Các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết thảm gây nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân. Trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng  1.600 tấn/tháng. Du lịch giảm sút 40-50%.”

Những con số trên đã lý giải tại sao ý tưởng Tour du lịch Formosa – Huyền thoại Cá Thép của các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững vừa đưa ra đã làm nổi sóng dư luận với những phản ứng gay gắt của các nhà quản lý, nhà khoa học và tất cả tầng lớp nhân dân cả nước. Ý tưởng này bị coi như dày xéo lên vết thương đang nhức nhối của miền Trung, nơi cuộc sống của người dân còn mù mịt biết đi đâu về đâu. Chưa bao giờ hiểm họa môi trường ở Việt Nam lại hiện hữu, đau đớn đến như vậy.

Nỗi đau Formosa chưa thể giải quyết nhưng nguy cơ tiềm ẩn Formosa thì cần được nhận diện ngay. Hơn lúc nào hết, chính quyền, người dân cần cẩn trọng, nhìn nhận kỹ lưỡng hơn về các dự án đầu tư đã, đang và sẽ thực hiện, cùng phân tích lợi hại để có quyết định đúng đắn hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài. Siêu dự án Thép Ninh Thuận Cà Ná của Tập đoàn Hoa sen vừa được đưa vào Quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đồng thời dự án cũng được tỉnh Ninh Thuận cam kết hỗ trợ ưu đãi lớn. Đây là một dự án nổi cộm, là một vấn đề cấp thiết phải xem xét ngay mới ổn định lòng dân.

Ngành luyện Gang, Thép là ngành gây ô nhiễm mạnh

Kết luận trên của các nhà khoa học, đồng thời được thực chứng bởi địa khu công nghiệp Gang thép các nơi trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc – đất nước dẫn đầu về sản lượng thép toàn cầu.

Ngành công nghiệp luyện gang thép gây rất nhiều tổn hại đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Các vấn đề ô nhiễm từ ngành công nghiệp luyện gang thép có thể kể đến như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước.

Công nghiệp luyện gang thép thải ra một lượng lớn khí thải. Hơi và sản phẩm phụ từ quá trình luyện cốc, nung kết và làm sạch kim loại gây ô nhiễm nặng môi trường không khí. Cụ thể các loại khí sinh ra từ quá trình này là oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx), và oxit các bon (CO, CO2) và các hạt lơ lửng.

Chất thải rắn phát sinh từ quá trình luyện gang thép bao gồm xỉ than và bụi có lẫn kim loại nặng.

Thành phần của nước thải từ ngành luyện gang thép bao gồm nhiều hoá chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, dầu, kim loại nặng, và một số chất hữu cơ khác.

Theo “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép” năm 2009 của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), hệ số phát thải các chất ô nhiễm để sản xuất 1 tấn thép thô như sau:

Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường
Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường

Theo cách tính toán trên, Dự án Thép Cà Ná – Ninh Thuận giai đoạn I (dự kiến năm 2017-2018) đi vào hoạt động sẽ cho công suất 3 triệu tấn thép/năm, đồng nghĩa với việc xả thải 7.19 triệu tấn khí thải, 14 ngàn m3 nước thải cực độc, 1.7 triệu tấn chất thải rắn ra môi trường. Với dân số khoảng 590 ngàn người như hiện nay, mỗi người dân Ninh Thuận mỗi năm sẽ phải tiếp nhận trung bình 12.6 ngàn kg khí thải, 25 m3 nước thải cực độc và 3 tấn chất thải rắn.

Khi dự án hoạt động hết công suất 16 triệu tấn, mỗi người dân Ninh Thuận sẽ gánh 67.4 ngàn kg khí thải, 136 m3 nước thải cực độc và 16.4 tấn chất thải rắn một năm.

Riêng về khí thải CO2, khi dự án hoạt động hết công suất sẽ phát thải 38.6 triệu tấn khí thải, chiếm 38.9% lượng khí thải toàn ngành sản xuất công nghiệp (không kể ngành sản xuất năng lượng) của toàn Việt Nam.

screen-shot-2016-10-03-at-11-44-14-am-copy

Tác hại của chất ô nhiễm từ ngành sản xuất Thép tới sức khỏe người dân và môi trường sinh vật biển

Xyanua: cụ thể là các dung dịch CaCN2 (Calcium cyanamide), Ca(CN)2 (Calcium cyanide) và NaCN (sodium cyanide), được sử dụng trong công nghiệp luyện gang thép, dùng để tách các tạp chất, và tăng độ bền của bề mặt kim loại. Xyanua theo nước thải ra trong môi trường nước thường tồn tại dạng muối có gốc (CN-), là chất hoạt động mạnh và độc tố cao với sinh vật.

Đối với sinh vật biển, cá và động vật không xương sống rất nhạy cảm với xyanua. Nồng độ xyanua trong nước từ 5 đến 7,2 μg/l có thể làm giảm khả năng bơi và ức chế quá trình sinh sản của một số loài cá. Nồng độ từ 20 đến 76 μg/l có thể gây chết một số loài sinh vật biển và cá. Nếu nồng độ tăng đến 200 μg/l sẽ gây độc cực mạnh và có thể giết hầu hết tất cả các loại cá.

Ở người, nhiễm độc xyanua thông qua việc hít thở không khí, nước uống có nhiễm xyanua hoặc thông qua chuỗi thức ăn (hải sản có nhiễm xyanua). Cơ chế gây độc của xyanua là ức chế sự hấp thụ oxy của tế bào, vì vậy xyanua gây tổn hại nhiều nhất đến tim và não vì hai cơ quan này sử dụng nhiều oxy. Các triệu chứng biểu hiện khi nhiễm độc xyanua trong vài phút đầu như nhứt đầu, choáng váng, ói mửa, khó thở, tim đập nhanh, cơ thể yếu dần.  Nếu nhiễm độc với nồng độ lớn thì có thể rối loạn nhịp tim, thân nhiệt giảm, môi và mặt tím tái, hôn mê sâu…dẫn đến tử vong.

TSS (thể huyền phù: tổng chất rắn lơ lửng): là những chất rắn có kích thước lớn hơn 2μm, không tan trong nước, và kém khả năng lắng. TSS là nguyên nhân gây độ đục cho nước. Nồng độ TSS càng cao thì gây ra các hiện tượng như giảm khả năng khuếch tán ánh sáng, tăng nhiệt độ của nước, và giảm lượng oxy hòa tan ở tầng dưới. Việc này dẫn đến quá trình phân hủy kỵ khí của các chất hữu cơ, làm giảm oxy hòa tan và sinh ra các hợp chất khí như CH4, H2S, …gây ngộ độc cho sinh vật biển.

COD (nhu cầu oxy hóa hoc) là lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hữu cơ hòa tan và lơ lửng trong nước. COD thường được sử dụng để ước lượng gián tiếp nồng độ các chất hữu cơ trong nước. Có thể hiểu một cách tương đối rằng: khi hàm lượng các chất hữu cơ tăng cao, chúng sẽ khử hết oxy trong nước. Vì vậy, COD trong nước cao sẽ gây thiếu oxy trong nước cho sinh vật biển và có thể dẫn đến ngộ độc.

Bài học Formosa vừa nếm trải, Bộ quản lý vẫn chưa thể tiên liệu được vấn đề?

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 30/6/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Về quy chuẩn môi trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên. Ví dụ trong ngành luyện kim, luyện thép… nếu để tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành đó tồn tại, phát triển” (VnExpress). Và Bộ trưởng cũng thừa nhận: Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa(Tuổi Trẻ)?

Vậy “trước đây”, hay nói đúng hơn là cho đến thời điểm này, các vấn đề môi trường của ngành thép được quản lý như thế nào để bây giờ sau thảm họa Formosa Hà Tĩnh chúng ta vẫn đặt Siêu dự án Thép Ninh Thuận Cà Ná và quy hoạch, vẫn trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Vậy phải chăng chúng ta vẫn còn chưa tiên liệu được?

Nguyên Hương

Xem thêm: