Lần đầu tiên kể từ năm 1999, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Standards & Poor (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ công của Trung Quốc sau khi xem xét những rủi ro từ các khoản nợ đang ngày càng gia tăng, và cũng đã điều chỉnh triển vọng của Trung Quốc từ “tiêu cực” sang “ổn định”.

Người đi bộ trước cửa một chi nhánh ngân hàng HSBC tại Hồng Kông

Trong một tuyên bố vào cuối hôm thứ Năm (21/9), hãng S&P cho biết mức xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc đã bị giảm đi 1 bậc, từ AA- xuống A+. Các nhà phân tích cũng hạ xếp hạng tín nhiệm đối với 3 ngân hàng nước ngoài chủ yếu hoạt động tại Trung Quốc. S&P nói rằng các ngân hàng HSBC China, Hang Seng China và DBS China, sẽ không tránh được vỡ nợ nếu như chính phủ Trung Quốc không trả được nợ công.

Hãng cho biết: “Giai đoạn tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ được kéo dài của Trung Quốc đã làm gia tăng những rủi ro kinh tế và tài chính. Mặc dù sự tăng trưởng tín dụng này đã góp phần vào sự tăng trưởng GDP mạnh mẽ,  và giá trị tài sản cao hơn, nhưng chúng tôi cho rằng nó cũng đã làm giảm đi sự ổn định về tài chính ở một mức độ nào đó”.

Như vậy, S&P là hãng xếp hạng tín nhiệm thứ 2 đã đưa ra quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Trung Quốc, và điều đó thể hiện sự suy giảm lòng tin của giới tài chính quốc tế rằng Trung Quốc có thể tạo được sự cân bằng giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và làm trong sạch ngành tài chính của mình. Động thái này cũng có thể gây khó chịu cho các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người chỉ còn khoảng 2 tuần nữa sẽ tham dự Đại hội đảng, một cuộc cải tổ nhân sự của giới lãnh đạo ĐCSTQ, được tổ chức 2 lần trong 10 năm.

Trong một tuyên bố vào hôm Thứ sáu (22/9), Bộ Tài chính Trung Quốc phản bác rằng S&P đã phớt lờ các nguyên tắc cơ bản về kinh tế lành mạnh của Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng duy trì sự ổn định tài chính nếu tăng cường giám sát và kiểm soát rủi ro tín dụng. Vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ đánh giá của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service, nói rằng họ đã thổi phòng khó khăn kinh tế của đất nước.

Trong một phân tích vào cuối hôm Thứ năm (21/9), Tân Hoa Xã cho rằng việc hạ mức tín nhiệm sẽ không ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, và không phản ánh tình hình kinh tế của Trung Quốc.

Trước đó, Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc từ Aa3 xuống A1 khi nêu ra những quan ngại tương tự  S&P đối với các khoản nợ của toàn bộ nền kinh tế. Hãng Moody’s trích dẫn khả năng các khoản nợ “tăng nghiêm trọng” và gánh nặng đối với tài chính của chính phủ, đồng thời thay đổi đáng giá triển vọng của nền kinh tế từ “tiêu cực” sang “ổn định”.

Ông Tommy Xie, một nhà kinh tế tại ngân hàng OCBC ở Singapore cho hay: “Thị trường cũng đã suy đoán rằng hãng S&P có thể sẽ sớm hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc sau hãng Moody’s.  Điều này không có gì đáng ngạc nhiên”.

Duy Minh (t/h)

Xem thêm: