Việc ngưng sử dụng xăng A92 để thay thế hoàn toàn bằng xăng E5 đang gây ra lãng phí xã hội rất lớn. Theo ước tính của Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỷ đồng do chênh lệch giá bán giữa xăng E5 và xăng A95. Do đó, đơn vị này kiến nghị nên có biện pháp cho phép bán lại xăng A92 nếu sản lượng tiêu thụ xăng E5 vẫn thấp như hiện tại.

cay xang Saigon Petro
Saigon Petro kiến nghị Bộ Công thuong và Bộ Tài chính cho bán lại xăng A92 (Ảnh: Gia Tuệ/Petronews.vn)

Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) vừa có công văn kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính thống kê lại số lượng tiêu thụ xăng E5, đồng thời có biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng này nhiều hơn.

Trong công văn, Saigon Petro kiến nghị hai Bộ cần tạo khoảng cách giá đủ lớn để thu hút sử dụng xăng E5, như áp dụng tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng A95 từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít đồng thời giảm thuế BVMT đối với xăng E5 xuống còn 2.500 đồng/lít, hoặc không tính thuế BVMT xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện tại.

Theo Saigon Petro, việc giảm thuế BVMT với xăng E5 sẽ tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 từ 2.000 – 2.500 đồng/lít, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 nhiều hơn. Đồng thời, với việc tăng thuế BVMT lên xăng A95 sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

>> Xăng E5 sản xuất ở Việt Nam có thật sự tốt hơn cho môi trường?

Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên mà sản lượng tiêu thụ xăng E5 vẫn thấp, Saigon Petro đề xuất hai Bộ nên xét đến khả năng cho sử dụng xăng A92 trở lại để tránh gây lãng phí xã hội.

Theo tính toán của Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỷ đồng do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 thay thế xăng A92 đã bị ngừng lưu thông.

Bên cạnh đó, Saigon Petro dẫn số liệu tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 trong hai tháng đầu năm 2018 chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp (chưa đến 30% tổng lượng xăng tiêu thụ), còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đây xăng A92 chiếm đến hơn 65%.

Trước đó vào đầu năm 2018, cũng có thông tin về một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị dừng bán xăng E5. Lý do được đưa ra là sản lượng bán ra thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí của cửa hàng.

Đề xuất loại loại bỏ sử dụng xăng A92 để thay thế hoàn toàn bằng xăng E5 đã được đề xuất bởi Bộ Công thương vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, nó đã vấp phải làn sóng phản ứng từ dư luận cho rằng việc áp dụng bán xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92 là một giải pháp “phi” thị trường nhằm gỡ khó cho các nhà máy Ethanol, hơn là mục đích bảo vệ môi trường thuần túy.

Mặc dù vậy, đề xuất vẫn tiếp tục được đưa ra trong năm 2017 và đến đầu năm 2018 nó đã chính thức được Chính phủ thông qua.

Tại Việt Nam có 7 nhà máy Ethanol, trong đó có 4 nhà máy nhập khẩu và sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển nhưng vẫn nhập thiết bị từ Trung Quốc. Tuy vậy, phần lớn các nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất hoặc trong tình trạng cầm chừng.

Ngoài các nhà máy tư nhân nói trên, còn có 3 nhà máy sản xuất Ethanol do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, bao gồm: Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) nhưng mới chỉ hoàn thành giai đoạn thi công mà chưa được đưa vào sản xuất; Nhà máy Ethanol Bình Phước và Nhà máy Ethanol Dung Quất đều bị tạm ngưng hoạt động vào năm ngoái và mới chỉ khởi động lại vào đầu năm 2018.

Tường Văn

Xem thêm: