Cả nước hiện có khoảng hơn 144 dự án sân golf trên khắp 39 tỉnh, thành phố. Vậy lợi ích kinh tế của sân golf là gì mà khiến các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng đến như vậy?

Hình ảnh sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Google Maps)
Hình ảnh sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Google Maps)

Đầu tư ồ ạt

Trong phiên họp Quốc hội vào đầu năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng thừa nhận chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi phân cấp cấp phép dự án sân golf cho địa phương, số lượng sân golf đã tăng lên gấp 3 lần so với 14 năm Trung ương quản lý.

Theo đánh giá của ông Mark Siegel, Giám đốc điều hành Công ty tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á – Golfasian thì “Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới”. Du lịch kết hợp chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200 – 300 triệu USD doanh thu hàng năm, ông cho biết.

Với một chủ đầu tư bất động sản, lợi ích sân golf không chỉ dừng lại ở đó, nó thường gắn liền với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng… Vậy nên việc sở hữu một sân golf sẽ giúp chủ đầu tư hoàn thiện chuỗi dịch vụ nghỉ dưỡng của họ, ngoài ra còn giúp họ gia tăng giá trị thương hiệu cũng như tầm cỡ công ty.

Ngoài ra, một chuyên gia về bất động sản tại TP.HCM cho biết ngày càng có nhiều dự án sân golf ồ ạt xin cấp phép bởi những lợi ích đằng sau của nó, chứ không phải vì lợi nhuận của sân golf. Đó là việc có trong tay một quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, và đặc biệt có thể chuyển đổi thành các dự án biệt thự đắt giá một cách dễ dàng.

Chung quy lại cũng là mục đích kinh doanh bất động sản ẩn đằng sau các dự án sân golf hiện đại. Điều này có thể dễ dàng lý giải được qua việc có quá nhiều dự án sân golf tại các đô thị lớn là một mâu thuẫn và ảnh hưởng đến các lợi ích xã hội khác, mà vụ việc sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất là một ví dụ điển hình.

Lợi ích kinh tế của sân golf nằm ở đâu?

Lợi ích kinh tế thực sự của sân golf không hề đơn giản. Nghiên cứu cho thấy một sân golf 18 lỗ như sân Phan Thiết, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm. Trong khi đó, số người chơi golf ở Việt Nam chỉ khoảng 15.000 người, đa phần là người nước ngoài. Có thể thấy, các dự án sân golf muốn lấy lại vốn đã khó chứ chưa nói đến việc sinh lời.

Chưa kể, chi phí duy trì sân golf cũng là điều đáng lưu tâm, bởi cần một lượng nước và hóa chất rất lớn để nuôi cỏ. Theo phân tích của Tạp chí Golf Digest (Mỹ), một sân golf 20 lỗ cần tới 150.000 m3 nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình. Điều này cũng trực tiếp gây hại môi trường xung quanh sân golf.

Vậy điều gì đã thu hút các nhà đầu tư đua nhau mở sân golf đến thế? Đó chính là những lợi ích ngoài dự án. Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hà cho biết có đến 2/3 diện tích trung bình các dự án sân golf được dùng để xây biệt thự. Đây thực chất là kinh doanh bất động sản.

Đáng chú ý, chỉ có 21 dự án trong số 144 dự án sân golf là thực hiện đúng mục đích kinh doanh sân golf, 113 dự án còn lại là kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch. Và trong số 113 dự án này, có đến 70,4% diện tích được sử dụng cho mục đích xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Chủ đầu tư kỳ vọng sẽ thu hồi vốn chính từ các hạng mục bất động sản đi kèm này.

Sân golf có mang đến lợi ích nào cho cộng đồng thu nhập thấp-trung bình hay không?

Tính bình quân trên mỗi dự án sân golf, các nhà đầu tư hoạch định sẽ tạo được chừng 200 – 300 việc làm cho người dân xung quanh. Một con số còn khá khiêm tốn, trong khi đó, theo báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư, mỗi một sân golf được tạo nên thông thường chiếm một diện tích không hề nhỏ, trung bình khoảng 374 ha/dự án, chưa kể các dự án loại này trên thực tế đều xây lớn hơn diện tích được cấp, lấn sang đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, và các quỹ đất khác, ngay cả đất sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải mất phần lớn diện tích cho cái sân golf – vốn chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích thiểu số.

Cũng tương tự vấn đề gây nhức nhối của các dự án bất động sản về giải tỏa mặt bằng, tạo kế sinh nhai cho người dân bị chiếm đất, các dự án golf cũng không giải quyết được, mặt khác quỹ đất mà người nông dân bị lấy đi có thể còn lớn hơn nhiều so với các dự án bất động sản đất nền. Rõ ràng có một thực tại là lợi ích của phần lớn người nông dân – cộng đồng có thu nhập thấp-trung bình đã bị xem nhẹ hơn so với một nhóm lợi ích thiểu số. Những người dân mất đất, mất đi mảnh ruộng của họ, nhận được một khoản tiền bồi thường ít ỏi rồi sau đó sẽ sống bằng gì khi họ không còn đất để nuôi trồng? Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của nhiều hộ gia đình, và gây bất ổn xã hội. Mặt xấu phơi bày tại các khu dân cư tái định cư như: trộm cắp, ma túy, nghiện ngập,… đã phản ánh quá rõ hệ lụy từ việc đầu tư ồ ạt, xem trọng lợi ích nhóm mà không mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Một vấn đề nữa là các dự án sân golf phải tiêu tốn một lượng lớn nước tưới và hóa chất cho việc chăm sóc cỏ, các chất thải này sẽ được thải ra môi trường xung quanh, có nguy cơ gây tổn hại môi trường sống xung quanh.

Ông trùm xe hơi của Mỹ – Henry Ford từng có câu: “Kinh doanh không mang lại điều gì ngoài tiền là kinh doanh tồi”. Ở đây không chỉ là trách nhiệm của chủ dự án kinh doanh, mà quan trọng hơn nữa là trách nhiệm của người cấp phép. Rốt cuộc những người “công bộc của nhân dân” đang chú trọng hơn tới lợi ích của ai?

Chân Hồ

Xem thêm: