Việt Nam cần Samsung để “làm đẹp” các con số thống kê về xuất khẩu và tăng trưởng GDP. Trong khi đó, với những ưu đãi lớn về đất đai, thuế, nhân công giá rẻ… đang cho thấy Việt Nam là “con gà đẻ trứng vàng” của Chaebol Hàn Quốc.

Embed from Getty Images

Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh chuyên về sản xuất, lắp ráp điện thoại với doanh thu 12,5 tỷ USD và lợi nhuận ở mức 1,53 tỷ USD năm 2017.

Sau khi chính thức bước vào Việt Nam năm 2008 với nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh, đến nay, Samsung đã trở thành một trong những doanh nghiệp nước ngoài quan trọng nhất tại Việt Nam với các nhà máy tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM.

Các nhà máy này hiện đang chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của Samsung trên toàn cầu.

Đến nay tổng vốn đăng ký đầu tư của Samsung tại Việt Nam là trên 17 tỷ USD, tuy nhiên mới chỉ giải ngân 10 tỷ USD.

Trong đó nhà máy Samsung tại Thái Nguyên có hơn 60.000 công nhân là cơ sở sản xuất lớn nhất của Samsung trên cả nước. Theo Economist, bếp ăn của nhà máy sản xuất này tiêu thụ 13 tấn gạo mỗi ngày và sản xuất nhiều điện thoại hơn bất kỳ nhà máy Samsung nào khác trên thế giới.

Samsung quan trọng với Việt Nam

Năm 2017, doanh thu của Samsung tại Việt Nam đạt khoảng 58 tỷ USD, vượt qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trong tổng số 214 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm ngoái, xuất khẩu của Samsung đã chiếm tới một phần tư. Doanh nghiệp này cũng thuê tổng cộng hơn 100.000 công nhân làm việc.

Sự hoạt động của Samsung kéo theo sự phát triển của một loạt các nhà cung cấp của địa phương. Số lượng các hãng địa phương làm nhà cung cấp cho Samsung tăng gấp 7 lần trong ba năm qua.

Cuối năm 2017, Samsung đã có được 29 nhà cung cấp cấp 1 và mục tiêu là sẽ có 50 nhà cung cấp cấp 1 vào năm 2020.

Bên cạnh đó các quán ăn, cửa hàng và phòng trọ mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp.

Embed from Getty Images

Một khu nhà ở tập thể của các công nhân làm việc tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Samsung cũng là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam. Trong số 108 tỷ USD vốn đầu tư FDI Việt Nam nhận được kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mai Thế giới năm 2007, một phần ba là đến từ Hàn Quốc.

LG Electronics hay Lotte là những tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đang hoạt động tại Việt Nam. LG sản xuất các màn hình tivi trong nhà máy 1,5 tỷ USD ở thành phố cảng Hải Phòng, còn Lotte thì sở hữu chuỗi các siêu thị lớn.

Năm 2017, luồn vốn FDI vào Việt Nam chiếm tỷ lệ 8%GDP, gấp đôi so với các nước trong khu vực. Hiện, sản lượng đóng góp của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 20% tổng sản lượng của cả nước.

Các doanh nghiệp FDI cũng có tốc độ tăng trưởng gấp 2 lần so với các doanh nghiệp Nhà nước trong 10 năm qua.

Nhờ có sự đầu tư của Samsung, Bắc Ninh và Thái Nguyên đã trở thành hai tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI trong nhiều năm liền.

Việt Nam cũng quan trọng không kém đối với Samsung

Với Samsung, Việt Nam là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc của hãng này.

Hiện, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào và rẻ – điều vốn từng là lợi thế của Trung Quốc nhiều năm trước. Giờ đây, lực lượng nhân công Trung Quốc đã già thêm trung bình 7 tuổi và chi phí nhân công đắt gấp hai lần so với Việt Nam.

Chính chi phí lao động rẻ giúp cho các sản phẩm điện tử của Samsung có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với Apple.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Samsung,  lũy kế từ năm 2010 – 2017, tổng mức lợi nhuận của 4 nhà máy tại Việt Nam đạt 19 tỷ USD, gần gấp đôi số vốn đầu tư đã được giải ngân, mỗi năm lãi ròng hơn 2,7 tỷ USD và đóng góp gần 18% vào lợi nhuận của Samsung toàn cầu.

Embed from Getty Images

Về mặt chính trị, Việt Nam ổn định hơn so với Trung Quốc. Hẳn các nhà đầu tư Hàn Quốc không thể quên được sự tẩy chay của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào năm 2017, sau khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm đối phó với các cuộc tấn công từ Bắc Hàn. Sự thất thường của Chính quyền Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc phải dè chừng.

Ngược lại, Việt Nam là một điểm đến mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2015, Chính phủ đã mở ra 50 khu công nghiệp và cắt giảm hàng trăm loại quy định để nới lỏng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư.

Trong đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tháng trước, Tổng thống Moon Jea-in đã có chuyến thăm lần thứ hai đến Việt Nam trong chưa đầy một năm, đi cùng với ông là các đại diện thương mại của Samsung và nhiều doanh nghiệp khác.

Theo giới quan sát nhận định, không giống như Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang đi theo hướng tiếp cận và “ôm gọn” những đồng minh nhỏ hơn trong nỗ lực trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng khu vực. Ít nhất, tại Việt Nam, kế hoạch này đang đi đúng hướng.

Theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND do tỉnh Thái Nguyên ban hành, tỉnh này sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên. Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà SEVT phải chịu chỉ là 10% trong 30 năm, được miễn tiền thuê đất với toàn bộ diện tích của dự án…

Liên Hương

Xem thêm: