Gần đây NHNN đã có động thái tăng cường giám sát rủi ro tín dụng tập trung vào các công ty có dư nợ lớn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của nhóm này nhiều rủi ro, các NHTM có thể lách luật trong điều kiện thể chế giám sát còn nhiều bất cập, khoảng cách quá xa so với thông lệ quốc tế.

(ảnh qua quantri.vn)
(ảnh qua quantri.vn)

NHNN lo ngại rủi ro tín dụng tập trung tăng cao

Rủi ro tín dụng tập trung luôn được kiểm soát chặt chẽ trong các hệ thống tài chính. Rủi ro này xuất hiện khi ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng có liên quan với mức tín dụng quá lớn so với năng lực tài chính của NHTM đó tại một thời điểm. Bởi vì, khi khách hàng gặp rủi ro trong hoạt động và không thể thanh toán nợ đúng hạn, NHTM cho vay có thể gặp vấn đề thanh khoản. Là một hệ thống nhạy cảm và quá nhiều đặc thù, một mắt xích yếu có thể dẫn đến đổ vỡ mang tính chất dây chuyền domino trong hệ thống tài chính.

Để kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro tín dụng tập trung, NHNN đã có quy định tại Khoản 1, điều 13, Thông tư 36/2014 rất rõ rằng (i) tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng và (ii) không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng khi cho vay đối với một khách hàng và những người có liên quan (cả tổ chức và cá nhân).

Tuy nhiên, những quy định trên dường như chưa đủ để NHNN phòng ngừa hiệu quả rủi ro tín dụng tập trung. Ngày 24/8/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 6373/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.

Động thái này cho thấy NHNN đang lo ngại rủi ro tín dụng tập trung tăng cao; các NHTM có thể đã “lách” các quy định đối với rủi ro tín dụng tập trung trong khi các doanh nghiệp có dư nợ lớn ngày một nhiều bất trắc.

Những phương thức “lách” quy định đối với tín dụng tập trung của NHTM 

Thứ nhất, NHTM nhận giải ngân (ví dụ ngân hàng A)  sẽ kêu gọi đồng tài trợ từ bên thứ ba là một hoặc nhiều NHTM khác, nhưng thực tế chỉ có một NHTM (ngân hàng A) cho vay. Các NHTM khác với vai trò là đồng tài trợ sẽ đứng ra cho doanh nghiệp (ví dụ doanh nghiệp X) vay (trên bề mặt hồ sơ) và nhận được một khoản tiền gửi tương ứng với số tiền đã cho vay từ NHTM nhận giải ngân (Ngân hàng A)  trên thị trường liên ngân hàng.

Thứ hai, thành lập một pháp nhân mới (ví dụ doanh nghiệp Y) không có liên hệ về mặt sở hữu với dự án kinh doanh hoặc doanh nghiệp ban đầu (doanh nghiệp X) vốn là của NHTM đứng ra giải ngân vốn vay (ngân hàng A).  Sau đó, dù dự án có được triển khai hay không thì các công ty (X và Y) sẽ thực hiện các nghiệp vụ kinh tế để chuyển vốn cho nhau. Bản thân các NHTM cũng dễ dàng làm đẹp hồ sơ cho vay và không lo ngại đến các quy định giới hạn đối với tín dụng tập trung, các cơ quan giám sát khó phát hiện hơn.

Ngoài ra, NHTM có thể tăng tài trợ cho khách hàng thông qua đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp. Giai đoạn trước 2012, đây là biện pháp chủ yếu nhằm che giấu mức tăng trưởng tín dụng và rủi ro tín dụng tập trung của NHNN. Tuy nhiên, sau đó NHNN đã quy định trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng được tính vào danh mục tín dụng. Để lách quy định này, NHTM tìm cách bán số trái phiếu này cho bên thứ ba là tổ chức hoặc cá nhân, những người sẽ được ngân hàng bơm vốn thông qua các hợp đồng vay khác.

Doanh nghiệp nào có dư nợ lớn trong hệ thống NHTM?

(Ảnh: Hải Linh/kinhtedothi.vn)
(Ảnh: Hải Linh/kinhtedothi.vn)

Không khó để nhận ra, các doanh nghiệp có dư nợ lớn trong hệ thống NHTM chính là các Tổng công ty, tập đoàn nhà nước (DNNN), các tập đoàn tư nhân lớn.

Chỉ xét riêng khối DNNN, việc dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng đã dẫn tới đầu tư ồ ạt ngoài ngành thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, việc DNNN là khu vực kinh doanh kém hiệu quả và trì trệ nhất của nền kinh tế cũng làm tăng lo ngại về khả năng thu hồi vốn và đảm bảo thanh khoản của các NHTM.

Tuy nhiên, rủi ro của các tập đoàn tư nhân lớn hiện nay cũng không kém. Cho tới hết Quý 2/2016, nợ của Tập đoàn Vincom tại hệ thống ngân hàng (gồm ngắn hạn, dài hạn và TPDN) lên tới 31.000 tỷ đồng (tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất); nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng lên tới 34.000 tỷ đồng tại Quý 1/2016. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang thua lỗ và đứng trước nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn.

Chỉ một động thái tiêu cực từ các “ông lớn” này, một NHTM nào đó trong hệ thống có thể mất khả năng thanh khoản, thậm chí là mất khả năng thanh toán. Đáng lo ngại hơn là trong trường hợp đó, phản ứng nhạy cảm của thị trường sẽ có thể gây tổn thất lớn cho cả hệ thống.

Thương hiệu Habubank sau 20 năm tồn tại cũng đã biến mất trên thị trường chính vì lý do này. Habubank đã cho các công ty thuộc Tập đoàn Vinashin vay tới 3.300 tỷ đồng (trong đó 2.700 tỷ đồng là TPDN, 600 tỷ là dư nợ tín dụng), chiếm tới 83% vốn điều lệ của NHTM này tại thời điểm đó. Bởi vậy, khi Vinashin thất thủ thì Habubank cũng biến mất khỏi hệ thống tài chính.

Gần đây nhất, Ngân hàng Xây dựng, trước đây là Ngân hàng Đại Tín, đã cho nhóm công ty Phương Trang vay nhiều hơn gấp đôi vốn tự có của ngân hàng. Trong trường hợp này, mức độ tập trung tín dụng còn cao hơn nhiều so với trường hợp của Habubank.

Lỗ hổng giám sát của NHNN

Khoản 8, Điều 13, Thông tư 36 quy định mặc dù các tổ chức, cá nhân không phải là người có liên quan theo quy định, nhưng có lợi ích liên quan đến khách hàng vay thì NHNN có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng xem những tổ chức, cá nhân này như là những người có liên quan và áp dụng nguyên tắc thận trọng khi xem xét cấp tín dụng để tránh rủi ro tín dụng tập trung.

Như vậy, NHNN có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để thực thi tốt việc giám sát và trám các lỗ hổng này. Tuy nhiên, có thể giám sát tốt hay không – trên thực tế – chỉ phụ thuộc một phần vào khuôn khổ pháp lý. Một khuôn khổ pháp lý tốt, đương nhiên sẽ tạo nền tảng tốt cho hệ thống vận hành, góp phần tạo nên tính liêm chính và nâng cao đạo đức ngành ngân hàng. Nhưng việc giám sát chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi thể chế giám sát đảm bảo được các nguyên tắc của “giám sát hữu hiệu” (effective supervision) theo thông lệ quốc tế, trong đó yêu cầu tiên quyết là phải có sự độc lập của ba cơ quan: cơ quản lý (ban hành khuôn khổ pháp lý), cơ quan giám sát và cơ quan đại diện chủ sở hữu, cụ thể là sự độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giám sát, sự độc lập giữa đại diện chủ sở hữu và cơ quan giám sát và sự độc lập giữa cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu.

Đáng tiếc, cho tới nay, sau 5 năm tái cấu trúc hệ thống tài chính, thể chế giám sát vẫn chưa được quan tâm đúng mức. NHNN vẫn thực hiện chức năng 3 trong 1, vừa là cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu và giám sát tuân thủ. Khi gánh quá nhiều trách nhiệm, vừa đảm bảo chính sách tiền tệ phải hỗ trợ được tăng trưởng, các mục tiêu như tăng trưởng dư nợ cần hoàn thành, vừa đảm bảo lợi nhuận cho các NHTM mà NHNN đại diện sở hữu, vừa đảm bảo giám sát tuân thủ… NHNN đôi khi sẽ phải thiết lập các ưu tiên, và bởi vậy, tại các thời điểm đặc biệt khi nền kinh tế khó khăn, các ưu tiên có thể rơi vào mục tiêu ngắn hạn, và rất có thể cơ quan giám sát phải “buông lỏng” một số lỗ hổng của hệ thống. Đây từng là nguyên nhân căn bản dẫn tới khủng hoảng tài chính trầm trọng tại nhiều nền kinh tế giai đoạn 2007-2008.

Đàm Thanh

Xem thêm: