Nghi ngờ có hiện tượng Trung Quốc chuyển hàng sang sang Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ để né thuế, các doanh nghiệp thép nội địa Mỹ đã khởi kiện đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Mặc dù chưa có thông tin toà án Mỹ có điều tra hay không, nhưng các mã chứng khoán thép Việt đã đột ngột lao dốc.

Hai sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện là thép cán nguội và thép mạ (Ảnh minh hoạ: saigoncmc.vn)
Hai sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện là thép cán nguội và thép mạ (Ảnh minh hoạ: saigoncmc.vn)

Đỏ rực mã chứng khoán thép trong phiên giao dịch đầu tuần

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 22/9, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên  Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố vào thứ sáu tuần qua, trên các diễn đàn chứng khoán các thành viên đã đưa một loạt cảnh báo biến động giá đi xuống của các mã CK Thép trên thị trường đầu tuần. Diễn biến thị trường thép trong 3/10 đã đi theo đúng theo chiều hướng như vậy, giá cổ phiếu các công ty thép Việt Nam được giao dịch lần lượt là: HSG 41.000 đồng (-2.38%); HPG 44.500 đồng (-2.63%); NKP 40.100 đồng (-3.37%); POM 8.750 đồng (-0.57%),…

Kết thúc ngày giao dịch, VN Index trụ tại 683.05 điểm, giảm 2.68 điểm;  VN30 Index về mức 662.42, giảm 6.02 điểm.

>> Thuế tự vệ phôi thép không phù hợp: Sản xuất thép nguy khốn, nhập khẩu tăng mạnh

Hàng loạt sản phẩm Thép bị khởi kiện cùng lúc

Ngày 22/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận được đơn kiện của hai doanh nghiệp là California Steel Industries và Steel Dynamics yêu cầu điều tra việc lẩn tránh thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam.

Các công ty này cáo buộc có hiện tượng chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ để né thuế.

Trước đó, vào tháng 6-2015, Mỹ ban hành lệnh áp thuế thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá 199,43% và mức thuế chống trợ cấp 241,43%. Theo cáo buộc của doanh nghiệp Mỹ, sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên đối với sản phẩm thép Trung Quốc, lượng xuất khẩu thép chống ăn mòn từ nước này xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu sản phẩm cùng loại từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến.

Theo đó, bên nguyên đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra và hoãn thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép chống ăn mòn từ Việt Nam, cũng như yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm từ Trung Quốc.

Tiếp theo sản phẩm thép mạ, ngày 27.9, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép cán nguội (cold rolled steel – CRS) nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Lý do khởi kiện cũng giống như đối với thép mạ.

Ngày 24/5/2016, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế sản phẩm trên của Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp là 256,44%.

Theo nguyên đơn, sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Mỹ giảm đi rõ rệt, tuy nhiên lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ cũng lại tăng đột biến.

>> Siêu dự án Thép Ninh Thuận Cà Ná: Đánh thức nguy cơ hủy hoại môi trường

Cùng lúc các doanh nghiệp Mỹ kiện sản phẩm Thép Việt Nam, ngày 28/9, Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan  cũng vừa đưa ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam sang Thái sẽ phải chịu mức thuế 310,74%.

Liên tiếp trong tuần vừa qua, các doanh nghiệp thép Việt đón nhận toàn tin không vui liên quan tới chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu. Con đường xuất khẩu thép Việt ra thị trường quốc tế đã rất khó khăn nay lại càng chông gai hơn.

Nguyễn Hương