Trong buổi tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục nóng lên và phản ứng của Đài Loan” được tổ chức tại Đại học Đài Loan ngày 6/10 vừa qua, Giáo sư Minh Cư Chính thuộc Khoa Khoa học Chính trị Đại học Đài Loan đã phân tích về mối quan hệ bốn góc giữa Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. 

Giáo sư Minh Cư Chính, Đài Loan
Ông Minh Cư Chính, giáo sư danh dự tại Khoa Khoa học Chính trị Đại học Đài Loan phân tích cụ thể mối quan hệ bốn góc giữa Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. (Ảnh: Secret China)

Trong bài phát biểu, giáo sư Minh Cư Chính cho rằng trước tiên cần hiểu cuộc đấu giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì mới hy vọng suy luận đúng hơn về những diễn biến tại Hồng Kông và Đài Loan cùng xu hướng cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Ông cũng phân tích cuộc đấu tranh phe phái trong ĐCSTQ, ông chỉ rõ tình cảnh ông Tập Cận Bình bị thế lực đối lập phản công. Trong bối cảnh này nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung càng làm nổi rõ các vấn đề nội bộ của ĐCSTQ. Ngoài ra nguyên nhân đằng sau hiện tượng leo thang xung đột tại Hồng Kông có thể vì ông Tập Cận Bình bị trúng kế phe đối lập, hiện không thể thoát ra được.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, phản ứng của Đài Loan
Từ trái sang phải: Giáo sư Minh Cư Chính thuộc Khoa Chính trị tại Đại học Đài Loan, Giáo sư Tạ Điền của Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina (Mỹ), ​​Giáo sư Ngô Huệ Lâm, Tổng biên tập Tạ Kim Hà của SEEC Media Hồng Kông, Nhà kinh tế trưởng Ngô Kim Long của AIA Capital. (Ảnh: Secret China)

Chưa bao giờ Tập Cận Bình chịu áp lực nội bộ lớn như hiện nay

Sau khi một nhà lãnh đạo của ĐCSTQ phạm sai lầm, họ luôn hy vọng rằng người kế vị tiếp theo không lật lại vấn đề; ví dụ như tâm bệnh của Mao Trạch Đông là cuộc Cách mạng Văn hóa, còn của Đặng Tiểu Bình là vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/61989, của Giang Trạch Dân là đàn áp Pháp Luân Công. Do đó giáo sư Minh Cư Chính nhận định, bất kể “hiện tượng Pháp Luân Công” bị giới chính trị cùng học thuật và truyền thông đánh giá thấp, nhưng một đất nước lớn như vậy lại bỏ ra đến 1/4 nguồn lực quốc gia để làm điều này, sẽ ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế của quốc gia, làm rõ điều này sẽ góp phần hiểu hơn tình hình Trung Quốc.

Giáo sư Minh Cư Chính cho biết những lý do trên khiến cả ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều có những lựa chọn riêng về người kế nhiệm, còn lựa chọn ông Tập Cận Bình là giải pháp “bất đắc dĩ” sau khi thỏa hiệp. Do đó, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã tính toán cách duy nhất giành lấy quyền lực là chống tham nhũng, hệ quả hiện nay bị phản công của các phe phái, khiến ông luôn cảm giác bất an về quyền lực và kéo theo tăng cường áp lực kiểm soát cao hơn.

Điều nguy hiểm hơn nữa là vào năm 2018, ông Tập Cận Bình đã hủy bỏ chế độ nhiệm kỳ làm cho ý chí phản công của các thế lực nội bộ mạnh mẽ hơn, làm tăng nguy cơ bị ám sát. Thêm nữa là vấn đề doanh giới nước ngoài ban đầu hào hứng với chi phí thấp đầu tư tại Trung Quốc, nhưng hiện giờ không còn được như vậy nên họ bắt đầu thoái vốn gây làn sóng thất nghiệp khiến xã hội bất ổn. Do đó Giáo sư Minh Cư Chính nhận định chưa bao giờ ông Tập Cận Bình chịu áp lực chính trị, kinh tế và xã hội nội bộ lớn như hiện nay.

Khốn khó chồng chất với cuộc chiến thương mại

Tổng thống Mỹ Trump bắt đầu cuộc chiến để giảm thâm hụt thương mại, và sau đó từ cuộc chiến thương mại lại kéo đến cuộc chiến khoa học và công nghệ, cuộc chiến kinh tế, cuộc chiến tiền tệ, và cuối cùng đã đến cuộc chiến hệ giá trị. Về cuộc chiến hệ giá trị cũng như ý thức hệ, giáo sư Minh Cư Chính bổ sung rằng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Pence tại Viện Hudson đã chỉ rõ vấn đề chống cộng sản chứ không chống Trung Quốc, và theo đó điều chỉnh chính sách của Mỹ với Trung Quốc, kêu gọi người dân Trung Quốc và toàn cầu cùng nhau đấu tranh chống cộng sản.

Về tác động của cuộc chiến này đối với nền kinh tế và xã hội Trung Quốc, giáo sư Minh đã tổng hợp 15 điểm như sau:

(1) Sự suy giảm toàn diện về xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; (2) Doanh nghiệp nước ngoài thoái vốn; (3) Giảm mạnh GDP; (4) Thiếu tiền; (5) Nền kinh tế suy thoái mạnh; (6) Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, xung đột giữa dân thường và quan chức; (7) Dự trữ ngoại hối giảm xuống đáy; (8) Hạ giá Nhân dân tệ (để tăng xuất khẩu); (9) Ngân hàng hạ tiêu chuẩn (10); Lạm phát tiền tệ; (11) Kinh tế đình lạm: sản xuất giảm, giá tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng; (12) Biến động lớn về thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, nhà đất; (13) Vấn đề nợ địa phương; (14) Thiếu lương thực, cần nhập khẩu số lượng lớn. (15) Dịch bệnh lợn.

So với nhiều thế hệ Tổng thống Mỹ trước, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện đã thay đổi 180 độ, từ quá khứ “chống Liên Xô” bây giờ lại “chống ĐCSTQ.”

Do đó, khi áp lực bên ngoài lại thúc bách thế lực đối lập bên trong, ông Minh Cư Chính nói, “Chúng tôi đã thấy phái Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã bắt đầu hành động, tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội, ngoại giao và chiến lược cuối cùng đã trở thành thách thức chính trị nội bộ của Tập Cận Bình, đây là vấn đề lớn nhất của ông Tập.”

Hồng Kông là thiên nga đen của cuộc chiến Mỹ-Trung

Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung quá nóng thì Hồng Kông đã đưa ra Dự luật dẫn độ, ông Minh Cư Chính nhận định vấn đề này phản ánh sự thiếu tỉnh táo của ông Tập Cận Bình hơn là của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

Còn vấn đề tại sao ĐCSTQ lại phạm sai lầm như vậy? Giáo sư Minh Cư Chính đưa ra quan điểm riêng rằng, có thể là phái Giang và Tăng Khánh Hồng sử dụng lợi ích tại Hồng Kông (nguồn lực kinh tế) đưa ông Tập Cận Bình vào bẫy, hiện nay ông Tập trong tình cảnh tiến hay thoái đều khó khăn, vì kẹt trong bẫy.

Tính toán của phe chống ông Tập Cận Bình là hy vọng tình trạng mâu thuẫn ở Hồng Kông ngày càng gay gắt hơn, nhằm quy trách nhiệm cho ông Tập Cận Bình, buộc ông phải ra mặt chấp nhận 5 yêu cầu, như vậy vừa giữ được Hồng Kông lại vừa giữ được ĐCSTQ, giáo sư Minh Cư Chính cho rằng “vì đa số tiền mà giới tham quan ĐCSTQ tham ô được thường chuyển sang cất giữ tại Hồng Kông, nếu hạ bệ được Tập Cận Bình thì có thể duy trì được tình trạng ‘một nước hai chế độ’, hoạt động tham nhũng hủ bại sẽ tiếp tục được duy trì thuận lợi.”

Tác động đối với Đài Loan

Trong việc ảnh hưởng đối với Đài Loan, giáo sư Minh Cư Chính cho rằng, trong trường hợp Tập Cận Bình quá khốn khó cả đối nội và đối ngoại, ông ta có thể chọn lá bài Đài Loan, liên tục gây sức ép đối với vị thế của Đài Loan, còn Mỹ cũng dùng quân cờ Đài Loan bằng cách ủng hộ Đài Loan, “Vì vậy tình trạng Đài Loan hiện nay là thân thì chịu đòn gậy của ĐCSTQ nhưng miệng thì luôn ngậm đường của Mỹ.”

Ông Minh Cư Chính chỉ ra khó khăn lớn nhất đối với Đài Loan hiện nay là bị ĐCSTQ xâm nhập nghiêm trọng, tạo ra đấu đá phe phái giữa phe Lam và phe Lục (2 đảng phái chính trị lớn, đối lập tại Đài Loan là Quốc Dân đảng Đảng và Đảng Dân tiến) làm hỗn loạn xã hội Đài Loan. Ông cho biết rằng, thực tế dù phe Lam hay Lục, kẻ thù lớn nhất là ĐCSTQ. Cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng, nếu nhìn sai vấn đề sẽ không tìm thấy câu trả lời chuẩn xác, điều mà Đài Loan cần nhất bây giờ là nhận thức rõ vấn đề từ ĐCSTQ.

Huệ Anh

Xem thêm: