Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 10.6 tỷ USD vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận sáng 27/8.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)

Có vội vàng khi bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành

Vào 25/8/2016, trước Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận 2 ngày, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3516/QĐ-BCT bổ sung Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.  Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư 10.6 tỷ USD, tương đương với khoảng 230.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là quy hoạch phát triển ngành thép là quy hoạch ngành cấp quốc gia thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành. Cho dù ngày 21/5/2012, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ủy quyền cho Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025 thì việc xây dựng, phê duyệt, bổ sung quy hoạch ngành cấp quốc gia vẫn cần tuân thủ các trình tự pháp luật. Có nghĩa là phải có phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định quy hoạch, ý kiến của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch, cuối cùng mới đến bước Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh theo ủy quyền và thông báo cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện. Vậy việc phê duyệt bổ sung “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 đã đúng trình tự chưa? Có bị đốt cháy giai đoạn không?

Lãng phí và kém chất lượng là tình trạng chung của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chuyên ngành. Việc tái cấu trúc hệ thống quy hoạch gặp khó khăn vì đây cũng chính là vấn đề về tư duy quản lý đã gắn chặt nhiều thập kỷ qua nên không dễ thay đổi – Theo Báo điện tử diễn đàn doanh nghiệp.

Trước khi có quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hoa sen, cam kết nhiều ưu đãi “khủng”

Theo thông tin trên Báo Dân Việt, bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) do ông Lê Phước Vũ đại diện cho HSG và ông Lưu Xuân Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 24/10/2015 cho thấy, HSG được ưu ái với hàng loạt các chính sách khi thực hiện dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná (Ninh Thuận).

Cụ thể, HSG sẽ được cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất để đầu tư siêu dự án. Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết giao đất sạch, đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết. Thời hạn thực hiện dự án là 69 năm, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hai bên sẽ tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Bộ GTVT để cho chủ trương xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất và vận hành tuyến đường sắt này để phục vụ cho dự án của HSG.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết thực hiện các hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của HSG về việc cung cấp đủ điện cho dự án.

Đáng chú ý, Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt trong thời gian gần đây và đã phải Công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp trong năm 2015, nhưng UBND tỉnh vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho HSG đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chấp thuận tách hai kênh nước khác biệt nhau để đảm bảo cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp.

Không chỉ ưu đãi về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp, (5%) cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…; được miễn thuế đất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước…  Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.

Sự sẵn sàng của chủ đầu tư

Chủ đầu tư Dự án là Tập đoàn Hoa Sen – một công ty Cổ phần đã niêm yết trên sàn HOSE (mã HSG). Tập đoàn Hoa sen thành lập năm 2001, chuyên sản xuất và kinh doanh tôn, thép với vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng, khoảng 6000 cán bộ công nhân viên, gần 200 chi nhánh bán hàng trên toàn quốc. Sản phẩm chính của Tôn Hoa sen bao gồm Tôn, Xà gồ, Ống thép, Ổng nhựa thương hiệu Tôn Hoa sen, phân phối chủ yếu trong nước và một phần xuất khẩu.

Để được triển khai dự án, ngày 6/9/2016, công ty tổ chức họp Đại hội Cổ đông bất thường xin ý kiến cổ đông về chủ trương triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná, Ninh Thuận. Tài liệu họp ĐHĐCĐ đã được Tập đoàn này gửi tới các cổ đông cho biết phân kỳ I. Tập đoàn Tôn Hoa sen dự kiến đầu tư công suất 1,5 triệu tấn/năm với Tổng mức đầu tư là 460 triệu USD (khoảng 10258 tỷ đồng), tương đương 4.6% tổng mức đầu tư tổng thể dự án đã cam kết với tỉnh Ninh Thuận.

Tập đoàn này dự kiến sẽ huy động 12.958 tỷ đồng để đầu tư vốn cố định và vốn lưu động. Trong đó, nguồn vốn tự có là 2.321,6 tỷ đồng. Vốn đi vay sẽ chiếm 82,08% tổng nguồn vốn đầu tư dự án, gồm 8.206,4 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn, còn lại vốn vay dài hạn.

Phần đầu tư tiếp theo, HĐQT Tập đoàn Hoa sen sẽ lập phương án trình ĐHCĐ thông qua tại các kỳ họp sau, sau khi phân kì I.1 – giai đoạn 1 đi vào hoạt động có hiệu quả.

Được biết, từ đầu năm 2016, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đồng loạt triển khai nhiều dự án tại các tỉnh khác nhau như Dự án Nhà máy Hoa sen Nghệ An tại khu công nghiệp Đông Hồi với tổng mức đầu tư 7000 tỷ, Dự án Nhà máy Hoa Sen Hà Nam với tổng mức đầu tư 3000 tỷ, Dự án Khu Trung tâm Thương mại, Khách sạn Hoa Sen Yên Bái với tổng mức đầu tư 1200 tỷ, Dự án Nhà máy Thép Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định với tổng mức đầu tư 2000 tỷ,… Với Quy mô doanh thu khoảng 17.500 tỷ/ năm, lợi nhuận ước đạt khoảng 1300 tỷ/ năm, riêng các dự án Tập đoàn đang triển khai đầu tư trên đây cũng phải dựa vào nguồn vốn vay là chủ đạo.

Các chuyên gia ngành và chuyên gia kinh tế đều bày tỏ sự lo ngại sâu sắc

Mặc dù Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” chưa tới giai đoạn thẩm định chính thức nhưng sau sự cố Formosa xả thải ra môi trường biển, các chuyên gia ngành thép cũng như các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ sự lo ngại sâu sắc.

Ông Phạm Chí Cường chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam cho rằng tình hình chung của cả khu vực và thế giới là thép đang dư thừa, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm mọi cách xả lượng thép dư thừa sang các nước trong khu vực thông qua cạnh tranh giá. Hiện nay, nhà nước phải ban hành chính sách thuế tự vệ để bảo hộ mặt hàng thép trong nước, tuy nhiên cũng chỉ áp được đến năm 2020. Việt Nam phát triển ngành thép trong điều kiện gọi không có gì thuận lợi, do quặng không có cũng phải nhập, than mỡ để làm ra than cốc cung cấp cho lò cao cũng phải nhập. Nếu phải nhập tất cả mọi thứ như thế vào đầu tư ban đầu, trong khi Trung Quốc dư thừa công suất, họ đã có những liên hợp cực lớn rồi, đã sản xuất và khấu hao từ lâu rồi thì việc cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế là điều hết sức khó khăn…, nhất là khi Hoa Sen bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, hay nói cách khác chi phí cao cho vấn đề xử lý nước thải, chất thải kể cả khói thải.

GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã trực tiếp cùng đoàn khảo sát của các nhà khoa học đi thực địa tại biển miền Trung sau sự cố môi trường nghiêm trọng Formosa cũng cảnh báo, bài học nhãn tiền Formosa vẫn còn đó và đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết hết, vì thế Ninh Thuận phải hết sức cân nhắc.

GS Tiến lo ngại, nước ở Ninh Thuận luôn thiếu, không biết tỉnh sẽ lấy nước ở đâu để cung cấp cho dự án thép có công suất lớn như Hoa Sen-Cà Ná (16 triệu tấn/năm). Chưa kể, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, làm cá hấp và muối, nếu chất thải của nhà máy thép tràn ra biển và cánh đồng muối, cuộc sống của người dân cũng như môi trường sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Người dân Cà Ná nói sao?

Một cán bộ môi trường của tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Nếu mà nói về vấn đề nhà máy thép thì cần phải coi lại chuyện môi trường. Bài học Formosa vẫn còn đó. Cần phải trưng cầu dân ý, để cho người dân họ quyết”. Cũng theo vị cán bộ môi trường này, điều khiến ông lo ngại nhất hiện nay là mặc dù dự án sắp sửa thi công nhưng người dân hoàn toàn không có thông tin gì về nó. Chưa có cuộc họp báo hoặc trưng cầu dân ý nào cả. Trong khi đó, mọi rủi ro và tai họa về sau đều do người dân gánh chịu.

Có thể nói, Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận là một Siêu dự án dấy lên sự lo lắng, bất an của nhiều chuyên gia cũng như các tầng lớp nhân dân. Không lo lắng sao được khi một vấn đề hệ trọng như vậy, được Bộ quản lý ngành cũng như Tỉnh nhà nhìn nhận, thực thi một cách rất đơn giản thiếu thông tin như vậy. Trong khi Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Tôn Hoa Sen sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tới, được cho là có trọng lượng quyết định với sự tồn tại hay không của Siêu dự án này.

Nguyên  Hương

Xem thêm: