Ngày 6/4, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2020. Ngoài tác động cục bộ của tình hình khí hậu, dịch tả lợn châu Phí đối với một vài ngành, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tác động toàn diện đến tất cả các ngành. Nông nghiệp tăng trưởng âm trong khi ngành dịch vụ tăng trưởng thấp kỷ lục trong 9 năm qua.

kinh te covid 19 1
Quý 1/2020 ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng âm và giảm thấp so với cùng kỳ nhiều năm của tất cả các ngành dưới tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). (Ảnh: J.N)

Du lịch lữ hành giảm hàng chục điểm phần trăm

Các ngành dịch vụ chịu chịu tác động mạnh nhất từ dịch COVID-19, tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 3,27%, thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2011-2020 và thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Theo Bộ KH-ĐT, tiêu dùng tăng trưởng chậm do tâm lý lo ngại của người mua. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu do bán lẻ hàng hóa, doanh thu ước đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ hình thức mua sắm trực tuyến.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% và giảm 27,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%).

Thu hút khách quốc tế giảm mạnh. Tính chung trong quý 1, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,69 triệu lượt người.

Lượng khách đến từ các thị trường lớn giảm tới hai con số phần trăm, như Trung Quốc giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2019, Hàn Quốc giảm 26,1%, Mỹ giảm 21,4%, Úc giảm 15%, Nhật Bản giảm 14,1%; thấp nhất là châu Âu, giảm 3,1%.

Bộ KH-ĐT nhận định khách đến từ thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc giảm do ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, còn các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, bị tác động do dịch bệnh cũng như các chính sách cắt giảm chuyến bay, việc tạm dừng cấp thị thực.

Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách, bao gồm cả vận tải đường không và vận tải đường bộ, cũng giảm mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Riêng hàng hóa tại các cửa khẩu, biên giới với Trung Quốc bắt đầu được thông quan nhiều hơn từ giữa tháng 3 so với đầu mùa dịch.

Nông nghiệp tăng trưởng âm, vượt mức kỷ lục năm 2016

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (-1,17%), mức thấp nhất kể từ quý 1/2016 tới nay (quý 1/2016 tăng trưởng -2,69%), giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, như: rau quả; cà phê; chè; sắn và sản phẩm của sắn;…

Ngành lâm nghiệp tăng trưởng 5,03%, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước quý 1 đạt khoảng 32,6 nghìn ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 348,3 ha, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, 217,1 ha diện tích rừng bị cháy, gấp gần 4 lần, 131,2 ha diện tích rừng bị chặt phá, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện rừng tại nhiều tỉnh khu vực phía Nam đang trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp nguy hiểm cao) do hạn, mặn.

Sản lượng thủy sản quý 1/2020 ước đạt 1.503,1 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác thủy sản ước 841 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 662,1 nghìn tấn, tăng 2,1%.

Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ.

Công nghiệp: ‘Khó’ từ nguyên liệu đến tiêu thụ

Theo Bộ KH-ĐT, sản xuất công nghiệp tăng chậm lại do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là ngành chế biến, chế tạo, sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, sản xuất ở Việt Nam.

Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp đạt 5,28%, mức tăng cùng kỳ của năm 2019 (9%) và năm 2018 (10,45%).

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2013 (4,38%) và năm 2014 (5,97%) trong giai đoạn 2011-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định, tăng trưởng đạt 7,46%; ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%) do sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm.

Tăng trưởng ngành xây dựng đạt 4,37%, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2011 (0,35%) và năm 2012 (1,18%) trong giai đoạn 2011-202017. Tính chung lại, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%.

Sơn Nguyên

Xem thêm: