Theo các chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ tình trạng nợ công của Việt Nam “quá xấu và quá nguy hiểm” là do chi tiêu công kém hiệu quả.

no cong viet nam
Nợ công Việt Nam đang tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng. (Ảnh qua: vef.vn)

Xem xét nới trần nợ công

Tại hội nghị của Bộ Tài chính ngày 7/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỷ lệ nợ công đang tăng rất nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đề cập đến việc chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng, nợ công đã sát trần là 64,98%, nếu tính đầy đủ nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ,… thì nợ công đã vượt trần cho phép, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần phải có biện pháp, thậm chí xem xét tới vấn đề nới trần nợ công.

Lý giải về việc nợ công tăng cao, Thủ tướng cho rằng dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, thu ngân sách không đủ bù chi thường xuyên và trả nợ. Nên để có vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ tình trạng nợ công của Việt Nam quá xấu và quá nguy hiểm là do chi tiêu công kém hiệu quả.

Việt Nam vốn nổi tiếng với các dự án đầu tư công đầy tai tiếng. Rất nhiều cây cầu đã sụp đổ ngay sau khi được hoàn thành. Các con đường được xây dựng chỉ đứng vững được vài năm trước khi cần phải sửa chữa lớn,.v.v.

>> Vụ lát đá vỉa hè Hà Nội: ‘Con ông cháu cha’ có trục lợi?

Các nguồn lực lớn đã bị lãng phí trong các dự án đầu tư công này và nạn tham nhũng lan rộng tại các dự án đầu tư công là lý do chính cho sự thất bại của nó.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa của việc nợ công tăng cao là chi phí cho bộ máy quản lý cồng kềnh. Với khoảng chừng 4 triệu công chức viên trong bộ máy hoạt động của chính phủ, quả thực đây là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.

Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã chi tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương Đảng trong giai đoạn 2006-2015 (chưa tính năm 2009, vì số liệu năm đó không được công bố), nhiều hơn mức 9.100 tỷ đồng chi cho Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch (1.000 tỷ đồng).

Do đó, việc nới trần nợ công hay tăng thuế không phải là câu trả lời cho sự thiếu hiệu quả và lãng phí của chính phủ Việt Nam. Sử dụng vốn vay và đầu tư một cách hợp lý mới là cách tốt nhất để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong dài hạn.

Theo thống kê trong 5 năm qua, cứ mỗi năm khối nợ công lại phình to thêm 300.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2017, hơn 260.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, và cho rằng nợ công Việt Nam sẽ vượt mức an toàn trong năm 2018.

Hiện tỷ trọng nợ công bằng đồng USD của Việt Nam lên tới 44%. Như vậy, các biến động kinh tế Mỹ, các nền kinh tế lớn, động thái lãi suất của FED hoặc đồng USD tăng giá sẽ tác động mạnh lên áp lực trả nợ công hàng năm của Việt Nam. Nền kinh tế khó giữ ổn định trước các biến động kinh tế khu vực và thế giới.

>> Nợ công 2017 tiếp tục phình to, mỗi người phải ‘gánh’ 33 triệu đồng

Thủ tướng: Nếu tính cả nhà lầu, xe hơi thì GDP có thể còn cao hơn

Cũng tại Hội nghị ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng mức tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam có thể còn cao hơn so với tính toán.

Thủ tướng cho rằng “Phương pháp tính GDP còn quá lòng thòng, bao nhiêu ô tô, nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò tiêu thụ rất lớn, mà không được đưa vào GDP, chủ yếu tính GDP từ đầu tư nhà nước”.

Kinh tế không chính thức này mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều, với bội số lớn như vậy thì nợ công sẽ có dư địa hơn để đầu tư cho nhu cầu phát triển. Chúng ta còn nhiều vùng khó khăn”, người đứng đầu Chính phủ bổ sung thêm.

Một chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định rằng, nhà cửa đã được tính vào lĩnh vực “đầu tư bất động sản”. Chỉ tiêu này thường có mức đóng góp vào tăng trưởng khá cao đối với những nền kinh tế mới nổi do trong giai đoạn đầu của phát triển cần đầu tư rất lớn cho nhu cầu xây dựng cơ bản để phục vụ tăng trưởng. Như Trung Quốc giai đoạn lúc mới phát triển có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao trong hàng chục năm liền, với tỷ trọng đóng góp của bất động sản vào tăng trưởng chiếm từ ¼ – ⅓ tổng sản lượng nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ngày nay, nền kinh tế bắt đầu co cụm lại, bởi không thể phụ thuộc vào đầu tư bất động sản nữa.

Do đó, con số tăng trưởng GDP không phản ánh được chất lượng của tăng trưởng và sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Cụ thể là chỉ có một nhóm người giàu lên và khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam. Việc lạm dụng chỉ số tăng trưởng GDP như một mục tiêu cuối cùng phải hướng đến sẽ làm chính chúng ta chệch hướng khỏi mục tiêu thực sự – đó là nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc con người.

Chân Hồ

Xem thêm: