Tăng trưởng và chi tiêu trong nước chậm lại, trong khi nợ công tăng cao đang gây áp lực giảm lớn lên nền kinh tế Trung Quốc.

Trong cuộc chiến thương mại với những khó khăn mà Hòa Kỳ áp đặt lên Bắc Kinh, sự chú ý đang chuyển sang vấn đề vay nợ quá mức trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

no cong trung quoc
Nợ công Trung Quốc đang ở mức báo động. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi chính quyền ĐCSTQ đang tìm mọi cách để kéo nền kinh tế ra khỏi đà sụt giảm, thì kích thước của khối nợ công Trung Quốc cũng ngày một phình to. Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin cho biết các khoản nợ ngầm của chính quyền địa phương đã tăng lên mức 40.000 tỷ NDT (gần 6.000 tỷ USD), gây áp lực lớn lên nền kinh tế Đại Lục.

Nếu tính cả nợ của chính quyền trung ương – gần 13.500 tỷ NDT vào cuối năm 2017, thì tổng nợ công của Trung Quốc đã vượt quá 70.000 tỷ NDT (hơn 10.000 tỷ USD), chiếm hơn 80% GDP của năm 2017.

Trong khi đó, nền kinh tế Đại Lục tiếp tục chậm lại, với tăng trưởng GDP thực tế trong quý 3 ở mức 6,5% – vẫn nằm trong phạm vi được nhắm mục tiêu nhưng thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Theo thống kê từ Bloomberg, tính đến ngày 6/11, Trung Quốc đã trở thành nơi sở hữu nhiều nợ công hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác, với việc nắm giữ hơn hơn 15 loại trái phiếu bằng đồng đô la khác nhau, trong đó có khoảng 660 ‘dollar notes’ có mệnh giá nhỏ nhất là 500 triệu đô.

Sự thay đổi mạnh mẽ của khối lượng trái phiếu Trung Quốc đã đẩy chi phí vốn vay tại quốc gia này lên cao nhất trong vòng hai năm qua. Tác động từ cuộc thương chiến lên quốc gia châu Á này trở nên rõ rệt hơn với sự tăng lên của lãi suất tại Mỹ và lợi suất Kho bạc, đặt nền kinh tế Bắc Kinh vào tình trạng báo động.

Gloria Lu, chuyên gia của S&P trong một báo cáo hôm 16/10 lưu ý rằng tiến trình giải quyết vấn đề nợ công của Trung Quốc “đã bị hạn chế cho đến nay”, và rằng “khối nợ công là một tảng băng chìm với rủi ro tín dụng rất lớn.”

Bên cạnh đó, sự suy giảm trong tiêu dùng nội địa cũng phản ánh thu nhập người dân ít hơn, giảm gần 1 điểm phần trăm xuống còn 6,6% trong 9 tháng đầu năm 2018. Nỗi lo sợ giá cả tăng cao đang phổ biến trong người tiêu dùng Đại Lục, đặc biệt là giá thịt lợn – vốn được gắn liền với chi phí thức ăn đậu tương – dự kiến ​​sẽ tăng vọt vào cuối năm nay do căng thẳng thương mại. Nếu dịch cúm heo của châu Phi không được kiểm soát, giá thịt lợn dự kiến có thể còn tăng cao hơn nữa.

Trước bối cảnh đó, chính quyền Bắc Kinh đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa hết cỡ. Trong tháng 9, quốc gia này đã bơm ròng tới hơn 2.200 tỷ NDT ra thị trường, mức cao nhất kể từ đầu năm 2018 – theo Nikkei Asian Review.

Mặc dù các chuyên gia đánh giá Trung Quốc vẫn có khả năng để cứu vãn nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Nhưng khối nợ công lớn chắc chắn đi kèm với các yêu cầu tài trợ lớn cho lãi suất và tái cấp vốn trong tương lai – điều có thể duy trì tình trạng nợ công cao trong dài hạn và kéo nền kinh tế Đại Lục đi xuống.

Chân Hồ

Xem thêm: