Kết thúc Giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới 2010-2015 (*), tổng dư nợ của chương trình lên tới gần 450 ngàn tỷ đồng, bao gồm nợ tín dụng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ trái phiếu chính phủ. Đây là hệ quả của việc phát triển chạy theo thành tích, kiểm soát tài chính yếu kém và tư duy nhiệm kỳ.

(Ảnh: nld.com)
(Ảnh: nld.com)

Tổng nguồn lực xã hội thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đã chi khoảng 851.380 tỷ đồng, lớn hơn cả mức chi đầu tư đầu từ phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước trong cùng kỳ (theo dự toán là 762.000 tỷ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn sai lệch, khiến nợ tín dụng tăng cao

So với Quyết định số 800/QĐ-TTg, nguồn vốn thực hiện chương trình đến từ 4 nguồn theo tỷ lệ: vốn ngân sách khoảng 40%, vốn tín dụng khoảng 30%, vốn huy động từ doanh nghiệp khoảng 20%, vốn huy động trong cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Tuy nhiên trên thực tế, cơ cấu vốn đã bị sai khác quá lớn. Số vốn tín dụng bị đẩy lên tới 51%, khoảng 434.950 tỷ đồng (bằng tổng chi đầu tư phát triển cả nước trong 3 năm). Bên cạnh các khoản vay của địa phương, các doanh nghiệp, Chính phủ còn phát hành 15.000 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia này.

Cho tới thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay từ nguồn vốn tín dụng thương mại là 419.376 tỷ đồng, chiếm tới 96% tổng số vốn tín dụng. Có nghĩa là chỉ có 4% số tiền vay đã được trả trong kỳ, và nghĩa vụ trả nợ trong những năm tới là hết sức lớn.

Nợ đọng nổi cộm ở các địa phương xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh dư nợ tín dụng thương mại, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản cũng rất nổi cộm. Chạy theo phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình được phê duyệt triển khai khi chưa xác định được nguồn vốn chi trả. Tính đến tháng 12/2015, có tới 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng xây dựng cơ bản với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã.

>> Nợ đọng hơn 15.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, chưa biết trả thế nào

Các địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ nợ đọng rất cao

Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ, Thanh Hóa 1.547 tỷ, Thái Bình 1.232 tỷ, Vĩnh Phúc 919 tỷ, Nghệ An 887 tỷ, Hải Dương 879 tỷ, Ninh Bình 770 tỷ, Hà Nam 757 tỷ…

Nguyên nhân nợ đọng phần nhiều do các địa phương chạy đua thành tích, không kiểm soát vốn đầu tư công chặt chẽ, phê duyệt dự án và đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán.

Mặc dù Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện giải quyết dứt điểm nợ đọng trước năm 2019, nhưng cuối cùng ngân sách nhà nước vẫn phải gánh phần lớn trách nhiệm này. Có nghĩa là Nguồn ngân sách của những năm tới sẽ bị cắt lại để trả nợ cũ. Nói cho cùng, số dư nợ, dù đến từ nguồn nào thì chính phủ, địa phương và cuối cùng là người dân cũng phải tìm cách để trả.

Không biết chương trình trả nợ sẽ được thực hiện ra sao, nhưng rõ ràng việc giải quyết nợ sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của địa phương trong thời gian tới và là một yếu tố Chính phủ phải tính toán kỹ lưỡng khi lập kế hoạch phát triển trung hạn.

Xem thêm:

Chú thích:

(*) Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc. Chương trình bắt đầu từ năm 2010 theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng chính phủ. Mục tiêu của chương trình là sau 5 năm triển khai, sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo tiêu chuẩn này, các xã nông thôn mới sẽ có quy hoạch phát triển; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng kết nối giữa liên xã, các xóm, nội đồng, hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; được tiếp cận điện, nước sạch, các dịch vụ bưu chính, internet, được tham gia bảo hiểm y tế, được đào tạo nghề; có trường học các cấp, chợ, nhà văn hóa, trạm y tế, nghĩa trang; có thu nhập bình quân hơn 1,4 lần thu nhập bình quân của tỉnh; vệ sinh môi trường đảm bảo; an ninh trật tự tốt; có hợp tác xã, tổ chức đoàn thể chính trị các loại.

Nguyên Hương