Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm một số dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong khi doanh nghiệp đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD.

cao tốc Bắc Nam, Tổng công ty Sông Đà
Nợ 114,8 triệu USD, Sông Đà vẫn được ‘chỉ định thầu’ làm cao tốc Bắc – Nam. (Ảnh: Xuân Quang)

1 km cao tốc Bắc – Nam lấy đi hơn 115 tỷ đồng

11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam dài 653 km có tổng mức đầu tư hơn 102.500 tỷ đồng. Không tính chi phí giải phóng mặt bằng thì suất đầu tư trên mỗi km của cao tốc Bắc Nam là hơn 115 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD)”, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam.

Báo VNExpress hôm 6/6 dẫn lời ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (Tedi, tư vấn lập dự án) cho biết, con số 5 triệu USD “bao gồm chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu và hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí điện tử không dừng, đường gom dân sinh. Đây là suất đầu tư tính toán bình quân tại 11 dự án cao tốc, còn mỗi dự án có đặc thù theo khu vực nên có tổng vốn đầu tư khác nhau”.

Suất đầu tư này là phù hợp, thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của một số nước khu vực”, ông Sơn nói.

Suất đầu tư đường cao tốc từng được đại biểu Lê Công Nhường chất vấn Bộ GTVT năm 2017: “Cùng làm đường cao tốc bốn làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 đến 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện chưa tương đương. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng GTVT có giải pháp gì để giảm suất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc, để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?

Khi đó, ông Trương Quang Nghĩa còn ngồi ghế Bộ trưởng GTVT trả lời chung chung rằng: “Với đặc điểm ở Việt Nam, một số khu vực có mức giá rất khác nhau. Trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu”.

Lại muốn chỉ định thầu

Tổng công ty Sông Đà vừa được Bộ Xây dựng “ưu ái” đề xuất chỉ định thầu làm một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty, theo Tuổi trẻ, ngày 6/6.

Động thái này được đưa ra sau khi Chính phủ muốn chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam từ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công.

Lý do chỉ định thầu, Bộ Xây dựng cho rằng đây là “ông lớn” trong ngành xây dựng vì đã thi công nhiều công trình cao tốc như: cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Đà Nẵng – Quảng Ngãi,…; các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu,…

Điều trái ngược, Tổng công ty Sông Đà lại gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động sau khi thực hiện các dự án về ngành điện; nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện cũng phải “đắp chiếu” vì không có việc làm.

Hơn thế, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại trong những năm gần đây.

Nợ phải trả của Tổng công ty Sông Đà tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).

Công nợ của Tổng Công ty chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết.

Trong đó, nợ phải thu tại Công ty CP Xi-măng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng…“, theo báo cáo từ Bộ Tài chính.

Mới đây, do khoản nợ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) rất lớn, 114,8 triệu USD mà không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, Bộ Xây dựng đã phải đề nghị Bộ Tài chính cho doanh nghiệp được gia hạn thời gian trả nợ 1 năm, đồng thời miễn chi phí cho vay lại đối với các khoản vay nước ngoài của Tổng Công ty.

Chỉ định thầu rất dễ phát sinh tiêu cực

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nên đấu thầu công khai minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và được giám sát độc lập của các cơ quan, chuyên gia và hiệp hội. Một dự án lớn bao nhiêu thì càng phải công khai minh bạch bấy nhiêu và không được chỉ định thầu.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu và các dự án ngân sách cần đấu thầu theo quy định Luật đầu tư công. Việc chỉ định thầu dự án đầu tư công rất dễ phát sinh tiêu cực nên cần tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu. Để công tác đấu thầu nhanh, cần đẩy nhanh phê duyệt các thủ tục và đưa ra tiêu chí phù hợp để rút ngắn việc lựa chọn nhà thầu. Nếu áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm. “Nếu giao thầu thì nhiều người lo ngại có lợi ích nhóm”, ông Long nói.

Kim Long