Các hãng công nghệ nước ngoài như Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, VNG và Mobifone đều bày tỏ lo ngại những hạn chế của Luật An ninh mạng mới sẽ gây tổn hại đến môi trường đầu tư trong nước.

Computer Hacker Theft Hacking Security Padlock 1591018
Có nên áp dụng luật an ninh mạng giống Trung Quốc? (Ảnh: Pixel)

Theo Nikkei Asian Review (NAR), việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6 đang làm dấy lên lo ngại về tự do ngôn luận trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong số 466 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường hôm 12/6, có 423 đại biểu (chiếm gần 87%) bấm nút tán thành Luật An ninh mạng, 15 đại biểu không tán thành và 28 đại biểu không đưa ra ý kiến. Với tỷ lệ cao vượt trội gần 87% đồng thuận, Luật An ninh mạng đã chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Đi ngược lại các cam kết quốc tế

Chuyên gia của NAR nhận định Luật An ninh mạng mới sẽ đặt tất cả các hoạt động trên mạng ở Việt Nam dưới sự kiểm soát của Bộ Công an, trong khi các nhà phê bình cho rằng nó sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận và tạo ra rào cản đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến internet.

Theo khoản 3 Điều 26 của Luật An ninh mạng, các hãng công nghệ nước ngoài như Google và Facebook sẽ được yêu cầu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam, cũng như “phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”.

Luật An ninh mạng đi vào hiệu lực sẽ cho phép chính phủ kiểm soát tốt hơn các nhóm người dùng internet trong cũng như ngoài nước đăng tải các thông tin “nhạy cảm”, tuyên truyền chống phá nhà nước, hoặc các thông tin kích động bạo lực và làm xáo trộn an ninh công cộng.

Các nhà phê bình cho rằng điều này trái ngược với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), cũng như Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo luật mới, các doanh nghiệp liên quan sẽ phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận CPTPP mà Việt Nam vừa ký vào tháng 3/2018 là không cho phép các bên ký kết đưa ra quyết định liệu một công ty có thể tiến hành kinh doanh dựa trên cơ sở hạ tầng CNTT của nước đó hay không.

Trước thông qua Luật An ninh mạng 4 ngày, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng phát đi thông cáo báo chí đề nghị Quốc hội Việt Nam hoãn bỏ phiếu thông qua luật an ninh mạng vì cho rằng luật mới “có thể không nhất quán với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam.”

Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) ông John Rockhold chia sẻ với NAR: “Chúng tôi đã lưu ý và đề xuất các cân nhắc thận trọng hơn [luật mới], rằng Việt Nam cần tuân thủ các điều khoản đã thống nhất theo Hiệp định TPP 12.”

Trong khi đó, ông Jeff Paine – Giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á, một hiệp hội ngành công nghiệp tìm cách thúc đẩy sự hiểu biết về chính sách internet ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có các thành viên như: Facebook, Google, LinkedIn, Apple, Twitter, LINE và Rakuten cho biết ông rất thất vọng khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Ông cho biết các quy định về khép kín dữ liệu và kiểm soát nội dung sẽ ảnh hưởng đến tự do ngôn luận, trong khi yêu cầu các hãng công nghệ nước ngoài đặt trụ sở “chắc chắn sẽ cản trở tham vọng cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam nhằm đạt được tăng trưởng GDP và gia tăng việc làm.”

“Những quy định này sẽ dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và làm hạn chế cơ hội cho các tập đoàn và [doanh nghiệp nhỏ và vừa] có thể tồn tại bên trong và ngoài Việt Nam”, ông Jeff cảnh báo.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước lo ngại

Người đứng đầu Liên minh Internet châu Á cũng cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục tích cực tham gia với chính phủ Việt Nam và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách để hướng tới việc tạo ra một tương lai kỹ thuật số tiên tiến cho Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới cho biết mục tiêu của luật mới nhằm bảo vệ quyền lực độc quyền chuyên chế của đảng và hạn chế quyền tự do internet. “Không phải ngẫu nhiên mà nó được soạn thảo bởi Bộ Công an, nơi nổi tiếng về vi phạm nhân quyền”, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại châu Á nói.

Đồng quan điểm, Tổ chức Ân xá Quốc tế tại London (Anh) cũng ra yêu cầu Hà Nội thu hồi luật An ninh mạng. Trong thư gửi cho Apple, Google, Facebook, Microsoft và Samsung, Clare Algar, Giám đốc các hoạt động toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, kêu gọi các công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ chống lại các vi phạm nhân quyền tiềm ẩn từ Luật An ninh mạng gây ra.

Không những các chuyên gia nước ngoài, các công ty trong nước cũng bày tỏ lo lắng về Luật An ninh mạng mới. Một lá thư chung của 13 tập đoàn công nghệ thông tin – bao gồm các doanh nghiệp trong nước như FPT, VNG và Mobifone, cũng như các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam như Panasonic, Toshiba và Lazada – đã được gửi đến Quốc hội vào hôm thứ Hai (11/6) để kêu gọi hoãn bỏ phiếu thông qua thông qua dự luật.

Theo ước tính của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam, một tổ chức bao gồm các cá nhân, các nhóm tự nguyện tham gia nghiên cứu, đào tạo và kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, Luật An ninh mạng mới đi vào hiệu lực có thể làm giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.

Trước cuộc bỏ phiếu 1 ngày vào Chủ Nhật, cũng đã xảy ra các cuộc biểu tình trên diện rộng phản đối thông qua Luật An ninh mạng vì cho rằng nó như một bản sao của Luật An ninh mạng Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 6/2017 và đã biến các công ty công nghệ hoạt động tại quốc gia này thành các đại lý giám sát quốc gia thực thụ.

Tuy nhiên, bỏ qua các lời kêu gọi và phản ứng từ dư luận, dự luật An ninh mạng vẫn được Quốc hội chính thức thông qua vào lúc 9h57′ ngày 12/6/2018.

Theo Nikkei Asian Review,
Tường Văn

Xem thêm: