Nhiều chủ trang trại Nhật Bản đang phiêu lưu tới các vùng đất châu Á để phát triển giống lúa Nhật. Hiện nay số lượng các nhà hàng Nhật trong khu vực đang tăng cao, do đó các chủ trang trại trồng lúa đang kết hợp với người dân địa phương để phát triển giống lúa có thương hiệu nổi tiếng là Japonica.

Trang trại Nhật Bản mang giống và công nghệ sang trồng lúa ở Việt Nam
Ông Yoshimoto, chủ tịch HĐQT Ajichi Farm, đến thăm và thu hoạch lúa tại trang trại ở Nam Định (ảnh: Facebook)

Giống gạo Nhật này có chất lượng rất cao nên người dân các nước khác cũng muốn thưởng thức hương vị của nó, nhưng lại gặp phải giá cao do nhập khẩu.

Giữa tháng 11 năm ngoái, một nhà hàng Nhật ở Hà Nội là Ofukuro Tei đã bắt đầu bán cơm từ loại gạo trồng ở Việt Nam nhưng giống lúa là từ trang trại Ajichi của Nhật Bản. 3 loại gạo là Akisakari, Koshihikari và Hanaechizen đã được bán với giá 500 yên cho 2 kg, tức khoảng 50 nghìn VND/kg, chỉ bằng nửa giá xuất khẩu.

>> Sự khác biệt to lớn giữa người giàu Nhật Bản và Trung Quốc

Trang trại Ajichi đặt ở tỉnh Fukui đã bắt đầu thử nghiệm canh tác vào mùa xuân năm ngoái. Họ hợp tác với một tập đoàn nông nghiệp Việt Nam, thành lập một công ty liên doanh tên là Inakaya. Công ty đã bắt đầu trồng gạo ở tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Đông Nam.

Do nhiệt độ ở Việt Nam cao hơn Nhật, nên công ty quyết định trồng hai vụ lúa vào các khoảng thời gian từ tháng 2 đến 6 và từ tháng 7 đến tháng 11. Họ cũng đã chọn được những phương án giống khác như Koshihikari. Inakaya sẽ dùng các phương tiện máy móc của đối tác ở địa phương để làm khô và đánh bóng gạo.

Trang trại Nhật Bản mang giống và công nghệ sang trồng lúa ở Việt Nam
Gạo trồng bởi Trang trại Ajichi đặt cơ sở ở Fukui bán ở Hà Nội vào giữa tháng 11. (Ảnh: Facebook)

Ông Takenori Ito, CEO của Trang trại Ajichi, gần như tháng nào cũng đến thăm Việt nam để giám sát và đảm bảo quá trình quản lý đất chặt chẽ và các công nghệ canh tác khác. Công ty cũng cho các quản lý người Việt đến thăm những cánh đồng trồng lúa ở Fukui.

Trang trại Ajichi đã gặp một số vấn đề, như hạt gạo không được như mong đợi do sự khác biệt về thời tiết giữa Nhật Bản và Việt Nam. Theo ông Ito, đây không phải là vấn đề không thể vượt qua, ông nói, “Các nông dân địa phương đã biết cách trồng lúa, nên chúng tôi có thể giúp họ trồng các giống lúa Nhật.”

Bắt đầu vào mùa hè năm ngoái, Ajichi đã tăng diện tích đất trồng lúa tại Việt Nam từ 1,5 hecta lên 10 hecta và bắt đầu bán sản phẩm của họ ngay trong Việt Nam. Ông nói “Chúng tôi muốn bước vào thị trường Việt Nam bằng sức mạnh thương hiệu của lúa Nhật Bản.” Công ty đặt mục tiêu sản xuất 10 nghìn tấn/năm và doanh thu hàng năm 2 tỷ yên.

Trang trại Nhật Bản mang giống và công nghệ sang trồng lúa ở Việt Nam
Biểu đồ dân số và lượng gạo tiêu thụ ở một số quốc gia châu Á. (Ảnh: Asian review)

Đồ ăn Nhật Bản đang ngày càng trở nên phổ biến, thúc đẩy các tập đoàn nông nghiệp và các công ty chế biến thức ăn Nhật Bản tăng cường hoạt động sản xuất gạo từ các giống lúa của họ ở các quốc gia châu Á khác. Ước tính có khoảng 69.300 nhà hàng Nhật ở châu Á vào năm 2017, tăng 50% so với năm 2015, theo dữ liệu từ Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản.

“Gạo của trang trại Ajichi rẻ hơn và chất lượng cao hơn gạo nhập khẩu từ Nhật,” ông Keiichi Miyata, chủ tịch của nhà hàng Nhật Ofukuro Tei nói. “Chúng tôi sẽ phục vụ loại gạo này ở nhà hàng của chúng tôi nếu có thể mua lượng lớn.”

Các vùng sản xuất gạo của Nhật đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu với sự giúp đỡ của chính phủ. Tuy vậy, ở Việt Nam vì giá vận chuyển và thuế nhập khẩu cao, giá gạo nhập từ Nhật đắt gấp từ 4 – 5 lần gạo trồng ở địa phương. Thêm vào đó, quá trình kiểm dịch còn khiến việc xuất khẩu gạo tới một số nước trở nên khó khăn hơn.

“Không có đủ gạo Nhật để đáp ứng cho nhu cầu bùng nổ từ các nhà hàng Nhật trên thế giới,” ông Shoichi Ito, giáo sư tại đại học Kyushu Nhật Bản nói. “Việc trồng lúa ở nước ngoài đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các chủ trang trại Nhật Bản.” Nhưng ông cũng nói thêm rằng các chủ trang trại không có đủ thông tin để đột phá.

“Phần còn lại của châu Á có tiềm năng sản xuất gạo hương vị ngon hơn và tiềm năng thị trường cũng lớn hơn Nhật Bản, ở đó lượng tiêu thụ gạo vẫn luôn rất chậm chạp,” ông Ito nói.

Theo Asian Review,
Nguyên Khánh lược dịch.