Xin mở tài khoản ví điện tử không kết nối với ngân hàng, Grab đang tiến bước sâu rộng vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới mục tiêu trở thành một “siêu ngân hàng”, biến đồng tiền Grab và ví điện tử Grab thành kênh thanh toán thông dụng tại Việt Nam.

GrabPay
(Ảnh minh họa: GrabPH Facebook)

Grab dấn thân vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt

Theo đại diện phía Grab, từ ngày 1/10, khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe Grab sẽ được ưu tiên thanh toán dịch vụ thông qua ví điện tử Moca để thay thế cho phương thức  thanh toán qua dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking).

Thay vì mua các gói trả trước 100, 200, 300 ngàn đồng trên GrabPay như trước, người dùng sẽ phải kích hoạt tài khoản ví điện tử Moca để tiếp tục được sử dụng số dư trong tài khoản GrabPay cũ và nạp tiền vào ví điện tử mới để thực hiện thanh toán.

Trong buổi gặp làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, đồng sáng lập – kiêm Giám đốc điều hành Grab ông Anthony Tan đề xuất các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Theo đó, Grab muốn pháp luật cho phép mở tài khoản ví điện tử mà không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng; cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử; và Chính phủ sớm cho phép áp dụng tính năng nhận diện khách hàng trực tuyến (e-KYC – tức là khách hàng không phải trình diện tại ngân hàng để giao dịch).

Trước đó, bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab tiết lộ với báo chí, hiện nay cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab.  Đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%.

Nếu được Chính phủ chấp nhận đề xuất trên, Grab sẽ kiểm soát lượng lớn người dùng ví điện tử và có khả năng trở thành một “siêu ngân hàng”. Và khi dòng tiền thanh toán không cần qua kênh ngân hàng truyền thống nữa mà chảy thẳng trực tiếp vào các ví điện tử, lúc đó vai trò quản lý, điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị đe dọa và vấn đề an ninh tiền tệ sẽ trở nên cấp bách.

Không kiểm soát, nguy cơ mất an ninh tiền tệ sẽ diễn ra không xa

Như cái cách mà các hãng taxi truyền thống đã bị Grab đánh bật khỏi thị trường vận tải taxi, dự kiến cuộc xâm thực trên các lĩnh vực khác như: giao hàng tiêu dùng, thức ăn nhanh, dịch vụ giải trí… của Grab cũng sẽ diễn ra nhanh chóng nếu cơ quan quản lý không có các biện pháp kiểm soát thích hợp.

Cùng với việc không tiếc tiền đổ vào các chương trình khuyến mại trên siêu ứng dụng, Grab chắc chắn sẽ thu hút được lượng lớn người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hệ sinh thái của hãng, từ lĩnh vực thanh toán di động, đến cho vay ngang hàng và các lĩnh vực tài chính công nghệ khác.

Theo đó, chiếm lĩnh thị trường thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong bán lẻ chỉ mới là bước đầu, điều mà Grab hướng tới là “đồng tiền Grab” trong các ví điện tử Grab (GrabPay, Moca…) sẽ được lưu hành thông dụng tại thị trường Việt Nam.

Dù được cấp phép hay không cấp phép, các bước chuẩn bị của Grab vẫn đang diễn ra rất khẩn trương, thông qua sự hiện diện của hai pháp nhân Việt Nam là Công ty TNHH Grab và Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca (đơn vị Grab nắm giữ cổ phần).

Điều này đưa đến một viễn cảnh điều gì sẽ xảy ra khi thị trường hàng hoá dịch vụ tiêu dùng, vận tải, đồng tiền Việt Nam đều phụ thuộc vào một “hệ sinh thái” nước ngoài? Dòng tiền sẽ đi đâu về đâu? Ai sẽ kiểm soát “đồng tiền ảo Grab”? Liệu Chính phủ có thể giám sát, quản lý được công nghệ 4.0 hay không? Và rằng lúc đó người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt liệu có được hưởng dịch vụ giá rẻ như bây giờ? Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có hành động kịp thời.

Tuệ San

Xem thêm: