Sự tháo chạy trong ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P Lending) trị giá 192 tỷ USD của Trung Quốc đang tăng tốc nhanh chóng.

Cho vay ngang hàng, hay P2P là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online (sàn) để kết nối nhà đầu tư, thường là cá nhân, với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay.

chung khoan trung quoc 961187446
(Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)

Theo Tập đoàn Yingcan tại Thượng Hải, tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã có ít nhất 118 sàn P2P tại Trung Quốc bị phá sản, mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại.

Trong đó bao gồm các công ty đã ngừng hoạt động hoặc đang bị cảnh sát kinh tế Trung Quốc điều tra.

Chiến dịch phong tỏa rủi ro tài chính của Trung Quốc đã gây áp lực nặng nề lên các nền tảng cho vay ngang hàng trong hai năm qua, áp lực còn mạnh hơn trong những tháng gần đây sau khi thị trường tín dụng bị thắt chặt và các nhà điều hành ngân hàng nước này phát đi một cảnh báo bất thường đến người gửi tiết kiệm rằng họ nên chuẩn bị cho việc bị mất hết đầu tư vào các sản phẩm lãi suất cao.

Trong khi điều đó đã gây ra làn sóng hoảng sợ trong những người dùng nền tảng cho vay ngang hàng nhỏ hơn, thì có rất ít bằng chứng cho thấy sự hỗn loạn đã lan rộng đến các hệ thống tài chính quan trọng hơn của Trung Quốc.

Theo Chen Shujin, Trưởng bộ phận phân tích tài chính của công ty chứng khoán Huatai ở Hồng Kông, các nhà chức trách đang tìm cách loại bỏ các nhân tố mà họ cho là xấu và kiểm soát ngành công nghiệp cho vay ngang hàng, một trong những ngành rủi ro nhất và ít bị kiểm soát nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm trị giá lên đến 10.000 tỷ USD của Trung Quốc.

“Ngành cho vay P2P đang trải qua một quá trình bài tiết”, ông Chen nói. “Không có cách nào hoàn hảo để chính phủ có thể loại bỏ tất cả những yếu tố xấu, bởi vì có hàng ngàn người tham gia trực tuyến. Họ sẽ bị giảm xuống còn một lượng rất ít trước khi chúng ta thấy bất kỳ sự phát triển lành mạnh nào.”

Theo ước tính đưa ra vào ngày 13/7 của các nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc (CICC), không hơn 200 công ty, hay chỉ khoảng 10% các sàn cho vay ngang hàng hiện tại, sẽ tồn tại được trong ba năm tới.

Báo cáo của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc cho biết hiện có khoảng 50 triệu người dùng tham gia vào các nền tảng cho vay ngang hàng của Trung Quốc, một hệ thống chủ yếu kết nối những người cho vay là những nhà đầu tư cá nhân với những người đi vay sẵn sàng trả lãi cao hơn ngân hàng.

Tổng dư nợ của ngành này tại Trung Quốc lên đến 1.300 tỷ Nhân dân tệ – NDT (tương đương 192 tỷ USD), lãi suất trung bình của các khoản vay này là 10,2% trong nửa đầu năm 2018.

Tỷ lệ lãi suất mặc định được quy định từ mức 0% trên các nền tảng tốt nhất cho đến 35% trên các nền tảng rủi ro nhất, báo cáo cho hay.

Jinyinmao, công ty cho vay ngang hàng tại Thượng Hải, là một trong những sàn P2P mới nhất vừa bị đóng cửa trong tuần này. Lý do là các nhà đầu tư mất niềm tin và dòng vốn bị rút ra “đáng kể”, công ty này cho hay. “Một số khách vay không còn ý định và khả năng hoàn trả các khoản vay, gây ra một tác động lớn đến hoạt động và làm cạn kiệt nguồn thanh khoản của công ty.”

Tháng 12/2017, Chính quyền Trung Quốc đã ban hành một bộ quy trình đăng ký phức tạp nhằm mục đích minh bạch hóa hoạt động cho vay ngang hàng, với lý do là các quan chức ở Thượng Hải đã xác định 160 vấn đề trong các công ty của ngành này, chẳng hạn lãi suất quá cao, lạm dụng vốn và khai khống con số doanh thu.

“Những người đang điều hành các công ty cho vay ngang hàng này quả thực không hiểu ‘P2P’ thực chất là gì”, ông Kenny Lam, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản cho người giàu đầu tiên của Trung Quốc – Noah Holdings nói. “Một khi có các quy định rõ ràng, rất nhiều P2P sẽ không còn tồn tại.”

Trước đó, Trung Quốc cũng vừa ghi nhận một vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành tài chính nước này khi Công ty Wintime Energy, nhà khai thác than đá tại tỉnh Sơn Tây, vỡ nợ do không thể thanh toán được khoản trái phiếu trị giá 11,4 tỷ NDT trong tháng 7.

Tổng các khoản nợ mà Wintime đang đối mặt nguy cơ mất khả năng chi trả lên đến hơn 72 tỷ NDT, tương đương gần 11 tỷ USD.

Tường Văn (T/h)

Xem thêm: