Chưa lúc nào giá xăng đang chịu nhiều tác động kép như thời điểm hiện tại, từ việc tăng giá liên tục hai lần chỉ trong 15 ngày qua cho tới việc thuế môi trường đối với xăng cũng được tăng lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít, bất chấp các lo ngại về lạm phát gia tăng.

tien VND
Bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến ở mức 222.000 tỷ đồng. (Ảnh: Jerome Ming/Bloomberg qua Getty Images)

Các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tỏ ra khá bất ngờ trước quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên kịch trần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/9.

Theo đó, thuế BVMT đối với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng/lít, tức tăng 1.000 đồng so với mức hiện hành. Điều này sẽ làm giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng, khiến giá mỗi lít xăng sắp tới sẽ không thấp hơn 22.000 đồng/lít và tiến sát ngưỡng 23.000 đồng/lít.

Đối với các loại (dầu nhờn, diesel, mazut…), Quốc hội cũng thông qua phương án tăng kịch trần lên mức 2.000 đồng/lít, ngoại trừ dầu hỏa chỉ tăng lên mức 1.000 đồng/lít.

Điều này khiến VDSC khá bất ngờ khi trước đó tại kỳ họp tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tạm hoãn thông qua đề xuất tăng thuế vì lo ngại lạm phát.

Nhưng trước sức ép về tình hình thâm hụt ngân sách và thiếu hụt nguồn thu, đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu đã chính thức được thông qua.

Áp lực ngân sách đang đè nặng

Theo VDSC, dư địa cho chính sách tài khóa của chính phủ đang hết sức eo hẹp, phản ánh qua tình trạng nợ công đang tiến sát mức trần cho phép trong khi ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục thâm thủng. Theo Bộ KHĐT, dự báo nợ công Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, chiếm 63,92% GDP và tiếp tục xu hướng tăng dần đều trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, áp lực tái cân bằng ngân sách công đang gia tăng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Thuận theo tiến trình tự do hóa thương mại, Việt Nam buộc phải cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu theo cam kết tại các Hiệp định thương mại đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách, dẫn tới việc Chính phủ phải tìm cách huy động nguồn thu khác từ nội địa để bù đắp, mà một trong số những giải pháp dễ dàng chính là tăng thuế.

ty le tham hut ngan sach/ GDP
(Nguồn: Công ty Chứng khoán Rồng Việt)

Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ không mang lại hiệu quả chừng nào chính phủ chưa cải thiện được hiệu quả trong đầu tư công, giảm chi thường xuyên và siết chặt việc quản lý thu thuế lỏng lẻo gây thất thoát ngân sách…

Điều nghịch lý tồn tại lâu nay vẫn chưa có lời giải là trong khi Việt Nam có tỷ lệ huy động thuế, phí/ GDP thuộc hàng cao nhất khu vực và người dân đang phải trả thuế, phí cao gấp 3 lần các quốc gia khác (theo số liệu từ WorldBank); thì vị trí đứng đầu về tỷ lệ thâm hụt ngân sách/ GDP cũng lại thuộc về Việt Nam. Bên cạnh đó, báo mới nhất của UNDP cũng cho thấy tỷ lệ nợ công/ GDP của Việt Nam cũng đang cao nhất ASEAN.

Điều này nói lên rằng vấn đề không nằm ở việc tăng bao nhiêu thuế, tăng các loại thuế phí gì, mà là nằm ở chỗ Chính phủ chi tiêu hiệu quả như thế nào đối với từng đồng thuế thu được từ người dân và doanh nghiệp.

Chân Hồ

Xem thêm: