Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết trong một tuyên bố hôm 26/3 rằng họ đã ký một thỏa thuận để Ngân hàng First Citizens có trụ sở tại Raleigh, Bắc Carolina mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB, hiện do ngân hàng Silicon Valley Bridge (SVBB) nắm giữ.

Embed from Getty Images

(Ảnh minh họa: Getty Images)

SVBB được FDIC thành lập để quản lý số tiền gửi và sổ sách cho vay của SVB, như một phần của quá trình giải thể có trật tự sau khi SVB sụp đổ vào đầu tháng này.

Người gửi tiền của SVB sẽ tự động trở thành người gửi tiền của First Citizens; 17 chi nhánh trước đây của SVB sẽ mở cửa với tư cách là chi nhánh First Citizens vào ngày 27/3.

FDIC cho biết: “Khách hàng của SVBB, Hiệp hội Quốc gia, nên tiếp tục sử dụng chi nhánh hiện tại của họ cho đến khi họ nhận được thông báo từ First Citizens Bank & Trust Company rằng việc chuyển đổi hệ thống đã hoàn tất, để dịch vụ ngân hàng được thực hiện đầy đủ tại tất cả các địa điểm chi nhánh khác”.

Tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng do First Citizens đảm nhận sẽ tiếp tục được bảo hiểm bởi FDIC.

Sự sụp đổ nhanh như chớp của SVB vào đầu tháng này đã làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng dây chuyền trong lĩnh vực ngân hàng, khiến các cơ quan tài chính Hoa Kỳ phải phản ứng bằng những biện pháp ổn định như giao dịch hoán đổi khẩn cấp tại Cục Dự trữ Liên bang (FED) để các ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn thanh khoản dồi dào.

Một số chi tiết khác

FDIC đã ký kết thỏa thuận chia sẻ tổn thất với First Citizens, điều đó có nghĩa là cả 2 thực thể sẽ cùng chia sẻ tổn thất và khả năng thu hồi đối với các khoản vay thương mại mua lại từ SVB.

“Giao dịch chia sẻ tổn thất dự kiến sẽ tối đa hóa khả năng thu hồi tài sản bằng cách giữ chúng trong khu vực tư nhân. Giao dịch này cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu sự gián đoạn cho các khách hàng vay vốn”, trích dẫn tuyên bố của FDIC.

Nhìn chung, việc giải quyết hậu quả từ SVB dự kiến sẽ tiêu tốn của FDIC khoảng 20 tỷ USD. Chi phí cụ thể sẽ được xác định sau khi FDIC chấm dứt vai trò là người đảm nhận trách nhiệm. Khoản chi phí này do Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC chịu.

Giao dịch bao gồm việc First Citizens mua khoảng 72 tỷ USD tài sản SVB, với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD. FDIC vẫn sẽ tiếp nhận khoảng 90 tỷ USD tài sản của SVB, cơ quan này đã nhận được khoảng 500 triệu USD cổ phiếu của First Citizens.

Tính đến ngày 10/3, SVB có khoảng 167 tỷ USD tổng tài sản và khoảng 119 tỷ USD tổng tiền gửi.

First Citizens Bank được thành lập vào năm 1898 và có hơn 500 chi nhánh ở 21 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngân hàng này tuyên bố họ có tổng tài sản hơn 100 tỷ USD và đạt được 243 triệu USD lợi nhuận ròng trong quý vừa qua.

SVB có trụ sở tại Santa Clara đã sụp đổ vào đầu tháng này sau khi khách hàng đổ xô rút tiền trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng.

Khoảng 94% tiền gửi của SVB không được bảo hiểm, đồng nghĩa với việc nếu ngân hàng sụp đổ thì số tiền này cũng mất theo. Do đó khi nghe tin SVB lỗ 1,8 tỷ USD tiền bán trái phiếu, khách hàng của họ đã vội vã rút tiền hàng loạt.

Những người gửi tiền đã rút 42 tỷ USD chỉ trong một ngày trước khi ngân hàng này sụp đổ, khiến số dư tiền mặt của SVB bị âm khoảng 1 tỷ USD.

Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ sau vụ phá sản của Washington Mutual năm 2008.

Dòng tiền gửi ‘chuyển hướng’

Sự sụp đổ của SVB đã khiến dòng tiền gửi vào các ngân hàng nhỏ hơn ở Mỹ giảm mạnh với mức giảm kỷ lục được ghi nhận vào ngày 15/3.

Dữ liệu từ FED cho thấy tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ — được định nghĩa là những ngân hàng xếp sau 25 ngân hàng lớn nhất — đã giảm 119 tỷ USD xuống còn 5,46 nghìn tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức giảm kỷ lục trước đó.

Trong khi đó, tiền gửi tại các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ đã tăng 67 tỷ USD lên 10,74 nghìn tỷ USD, vào ngày 15/3.

Điều này cho thấy rằng các ngân hàng lớn hơn, thường được coi là “quá lớn đến nỗi không thể sụp đổ” và có nhiều cơ hội nhận được sự cứu trợ trong trường hợp khó khăn, là các bên được hưởng lợi từ sự thay đổi dòng tiền gửi.

Chủ tịch FED tại thành phố Minneapolis, ông Neel Kashkari, chia sẻ với CBS hôm 26/3 rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn “kiên cường” và “ổn thỏa” mặc dù một số căng thẳng trong hệ thống chưa được xua tan.

“Hệ thống ngân hàng có vị thế vốn mạnh mẽ và nhiều thanh khoản, đồng thời có sự hỗ trợ đầy đủ của Cục Dự trữ Liên bang và các cơ quan quản lý khác đằng sau nó. Bây giờ, tôi không nói rằng tất cả những căng thẳng đã ở phía sau, tôi cho rằng quá trình này sẽ mất một thời gian. Nhưng về cơ bản, hệ thống ngân hàng vẫn ổn thỏa”.

Ông Kashkari tiếp tục: “Hiện tại, căng thẳng chỉ mới bắt đầu được vài tuần. Có một số dấu hiệu đáng lo ngại”.

“Mặt tích cực là việc dòng tiền gửi bị ‘chảy’ ra ngoài dường như đã chậm lại. Lòng tin đang được khôi phục giữa các ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ hơn”.

Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên trong tuần này về sự thất bại của SVB, điều này làm dấy lên những lời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng có quy mô trung bình và yêu cầu mở rộng chương trình bảo đảm tiền gửi của FDIC.

Vy An (Theo Epoch Times)