Thiếu hụt vốn dài hạn được cho là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn.

ngan hang
(Ảnh qua: vietnambiz)

Song song việc các ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động sớm hơn mọi năm, bắt đầu từ cuối tháng 8/2018 và cho đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại, một cuộc đua khác nhằm thu hút vốn cũng đang được diễn ra là việc nhiều ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu nghìn tỷ để bổ sung vốn dài hạn.

Đợt phát hành lớn nhất là của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) với giá trị chào bán lên tới 4.000 tỷ đồng trái phiếu, có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trong đó có 300.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 100.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Số vốn huy động từ trái phiếu sẽ được BIDV dùng cho vay xây dựng, công nghiệp nặng, dịch vụ… Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý cho BIDV được huy động tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2018.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng phát hành thành công hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu ra thị trường. Trong đó, Ngân hàng Quân đội (MBBank) phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc tế (VIB) từ đầu năm đến nay cũng phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, và đang dự định phát hành tiếp 200 triệu USD trái phiếu quốc tế hoặc tương đương 4.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng kịp hoàn tất phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, lãi suất gần 7,5%/năm.

Một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng vừa hoàn tất phát hành trái phiếu đợt 2 năm 2018 với trị giá 450 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 2 năm. Trước đó trong tháng 7/2018, ngân hàng này cũng thu về hơn 2.435 tỷ đồng từ việc chào bán trái phiếu ra công chúng với thời hạn 10 năm, lãi suất thả nổi theo kỳ.

Tín hiệu dồn dập phát hành trái phiếu của các ngân hàng lớn cũng lan sang một số ngân hàng quy mô nhỏ. Trong đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng quyết định phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá lên tới 2.200 tỷ đồng trong năm tài chính 2018; Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) sau đợt phát hành thành công 5.000 tỷ đồng hồi giữa năm nay cũng vừa quyết định tiếp tục phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Nhận định về việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 2 nguyên nhân chính là nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn đang khá thấp của các ngân hàng, và gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhanh chóng trong bối cảnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% trong năm tới.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng giải quyết được một số vấn đề tức thời, trong khi sẽ gây nên không ít áp lực trong dài hạn như: chi phí vốn tăng cao do huy động vốn dài hạn với lãi suất cao, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng; hay áp lực chi trả lượng tiền lớn cho khách hàng khi trái phiếu đáo hạn…

Các chuyên gia khác cũng cho rằng việc phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính “tình thế”, bởi lượng vốn huy động thông qua hình thức này không rẻ và cũng đến lúc sẽ phải đáo hạn, khi đó các ngân hàng vẫn phải dựa vào tăng vốn cấp 1 để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cũng như các quy định về tiêu chuẩn Basel II.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: