Chiều ngày 7/2/2018, trong Hội nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, một nữ tài xế Uber đã bất ngờ xuất hiện gửi đơn kêu cứu của cộng đồng lái xe Uber, Grab đề nghị Bộ phải có biện pháp khẩn cấp với hai hãng Grab, Uber nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các lái xe chạy dịch vụ này.

Xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2014, được cấp phép triển khai thí điểm từ đầu năm 2016, dịch vụ vận tải Grab, Uber đã phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn hợp tác xã vận tải, tài xế tham gia mạng lưới. Tính đến tháng 10/2017, chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM, đã có gần 37 ngàn xe đăng ký loại hình hợp đồng để chạy Grab, Uber, gấp 1,5 lần số lượng xe taxi chuyên nghiệp. Số lượng lao động tham gia cung ứng dịch vụ này ước tính hơn 50 ngàn người.

Do khung pháp lý còn lỏng lẻo, mối quan hệ ba bên của Grab/Uber và doanh nghiệp vận tải/hợp tác xã vận tải với các tài xế diễn biến khá phức tạp, khiến công tác quản lý thuế, an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn cũng như quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.

grab vietnam 1
Grab một mặt tăng mức chiết khấu, một mặt tăng cường các hoạt động khuyến mại để thu hút khách hàng. (Hình ảnh: grab.com)

Tài xế Grab, Uber bất ngờ kêu cứu tại cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải

Chiều ngày 7/2/2018, tại Hội nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô – một văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình hình thức kinh doanh của Grab, Uber ở Việt Nam – một tài xế Uber bất ngờ xuất hiện tại hội nghị chuyển đơn kêu cứu của cộng đồng lái xe Uber, Grab tại Việt Nam tới đại diện Vụ Vận tải, kiến nghị Bộ GTVT phải có biện pháp khẩn cấp với hai hãng Grab, Uber nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các lái xe chạy dịch vụ Grab, Uber.

Video Lái xe Grab, Uber đột ngột có mặt tại Hội nghị của Bộ GTVT để chuyển đơn kêu cứu

Rủi ro ở chỗ giữa lái xe và Grab, Uber không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào. Không những thế, lái xe còn đứng trước rủi ro bị ngắt ứng dụng mà không cần giải thích của hai hãng cung cấp ứng dụng này.

Trước kiến nghị của tài xế, Vụ vận tải cho biết sau Tết Nguyên đán sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan, nhằm tháo gỡ các khúc mắc của các bên. Cuộc họp sẽ triệu tập các tài xế, lái xe, hợp tác xã vận tải và đại diện Grab, Uber để giải quyết vấn đề.

Trước tháng 10/2017, tài xế Uber Việt Nam chịu mức chiết khấu 24,5%, gồm 20% phí sử dụng dịch vụ và 4,5% thuế; sau tháng 10/2017, mức chiết khấu là 29,5%, gồm 25% trả cho hãng công nghệ, 3% thuế GTGT, 1,5% thuế thu nhập cá nhân.

Đối với Grab Việt Nam, phí sử dụng ứng dụng  cho xe đăng ký mới đồng loạt tăng từ 20% lên 25% từ ngày 1/10/2017, đưa tổng mức chiết khấu bao gồm thuế thu nhập cá nhân lên 28,6%.

Từ đầu tháng 1/2018, với mục đích đưa điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống và Grab, Uber về thế cân bằng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cắm biển cẩm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại 13 tuyến phố đang cấm taxi. Điều này khiến thu nhập của các tài xế Grab, Uber giảm sút mạnh. Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở xung đột của  cơ chế chốt giá và sự chậm chễ cập nhật của phần mềm. Các chuyến đi của khách hàng đặt từ vùng cấm đường vẫn được phê duyệt, lộ trình qua cung đường cấm vẫn được vạch ra và tài xế không được tính thêm phụ phí khi phải đi đường vòng. Thêm vào đó, hệ thống đo lường chất lượng theo sao của Grab, Uber vẫn tự động trừ điểm của lái xe nếu hủy cuốc xe, hay khách hàng phàn nàn cho dù đó là nguyên nhân gì, có phải lỗi của tài xế hay không.

Nếu kinh doanh ở Trung Quốc, Grab, Uber phải ký hợp đồng lao động với tài xế

Tình huống của các tài xế Việt hiện tại cũng nhắc lại câu chuyện pháp lý tại Trung Quốc vào thời điểm tháng 7/ 2016 khi các nhà quản lý Trung Quốc buộc phải ban hành khung pháp lý điều chỉnh loại hình dịch vụ gọi xe của bên thứ ba này. Tại thời điểm đó, Didi Chuxing và Uber là hai hãng cung cấp ứng dụng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Chính sách quản lý dịch vụ gọi xe qua mạng này nổi lên những điểm chính sau:

* Các tài xế phải có bằng lái xe chuyên nghiệp và tối thiểu 3 năm hành nghề lái xe, đồng thời không phạm tội hình sự, tội phạm về lái xe;

* Dữ liệu người dùng phải được bảo vệ;

* Dữ liệu người dùng phải được lưu trữ và sử dụng trong nước và lưu trữ tối thiểu 2 năm;

* Tài xế phải ký hợp đồng lao động với nhà cung cấp ứng dụng, trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ các bên;

* Phương tiện chở khách có niên hạn không quá 8 năm và không chạy quá 600 ngàn km.

Bên cạnh các điều khoản chung, luật cũng nhường một số quyền hạn cho chính quyền địa phương quyết định như quyền khống chế giá tối đa.

Còn ở 28 nước Châu Âu, ngày 20/12/2017 vừa qua, Tòa án công lý EU đã đưa ra phán quyết dịch vụ Uber là dịch vụ vận tải. Như vậy, Uber và các thành viên tham gia chuỗi cung ứng cũng sẽ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh như các công ty vận tải chuyên nghiệp.

Có thể nói, mô hình kinh doanh mới như Grab, Uber đều thách thức các nhà làm luật tại mọi quốc gia. Là một nước đi sau, Việt Nam sẽ có những tham khảo hữu ích của các nước để xây dựng khung pháp lý của mình. Tuy nhiên, các nhà làm luật cũng cần cân nhắc đặc thù của mô hình này tại Việt Nam, có như vậy các quy định pháp luật mới phát huy tác dụng trong cuộc sống.

Vĩnh Long

Xem thêm: