Để giảm sốc thị trường xăng dầu, Nhà nước đang trợ giá bán bằng cách xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) được trích lập từ trước. Nếu không xả quỹ, giá xăng có thể sẽ vượt mốc 23.000 đồng/lít. Mặc dù vậy, số dư quỹ này cũng chỉ còn trụ được vài tháng.

cay xang
Giá xăng có phiên tăng lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng, với mức tăng lũy kế gần 1.300 đồng/lít (Ảnh: Minh Minh)

Theo văn bản số 8150/BCT-TTN ngày 6/10/2018 của Liên bộ Công thương – Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu, dưới tác động kép của giá xăng dầu thế giới tăng cao và tỷ giá USD tăng mạnh, giá cơ sở của tất cả các mặt hàng xăng dầu đều tăng mạnh.

Theo đó, giá cơ sở của xăng E5 RON92 được xác định là 22.469 đồng/lít (tăng 675 đồng/lít), xăng RON 95 là 23.385 đồng/lít (tăng 655 đồng/lít). Đây là phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp trong vòng một tháng trở lại, và là phiên tăng giá thứ 8 kể từ đầu năm 2018, trong khi chỉ có 2 phiên giảm giá.

Với đà tăng giá một cách thiếu kiểm soát như hiện tại, áp lực lạm phát đang đè nặng lên quý cuối cùng của năm.

Ngừng trích lập quỹ bình ổn, xả mạnh quỹ để trợ giá tất cả các mặt hàng xăng dầu

Ngừng trích lập quỹ bình ổn giá cho tất cả các mặt hàng xăng dầu, trợ giá bằng cách xả quỹ bình ổn là hai biện pháp liên Bộ phải thực hiện đồng thời để kiềm chế tốc độ tăng của xăng dầu.

Mức trợ giá xăng E5 đang là 1.563 đồng/lít, xăng RON 95 là 700 đồng/lít, dầu diesel là 400 đồng/lít. Mức xả quỹ này có thể nói là cao nhất từ đầu đầu năm (vào thời điểm bình thường, xăng E5 được trợ giá khoảng 700 đồng/lít còn xăng RON 95 gần như không được trợ giá mà còn phải trích lập quỹ bình ổn 300 đồng/lít).

Quy binh on xang dau 2

Quỹ bình ổn còn trụ được khoảng 3 tháng

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, tính đến thời điểm 31/8/2018, số dư Quỹ BOG trên toàn quốc còn khoảng 3.100 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ so với hồi đầu năm.

Ước tính đến ngày 6/10/2018, số dư của Quỹ BOG tại Petrolimex (đơn vị chiếm 60% thị phần xăng dầu) cũng chỉ còn khoảng 1.700 tỷ đồng. Cùng với việc ngừng trích lập, tăng mức xả quỹ như kỳ điều hành tháng 10, có thể khiến Quỹ bình ổn tiêu tốn khoảng 500 tỷ đồng/tháng.

Nếu giá xăng thế giới tiếp tục tăng và mức xả quỹ không thay đổi, đến cuối năm nguồn quỹ bình ổn này có thể sẽ sớm cạn kiệt.

Tuy vậy, để đảm bảo kiềm chế lạm phát trong dịp cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục phải giữ ổn định mặt hàng xăng dầu ngay cả khi Quỹ bình ổn không còn nguồn lực.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải cân nhắc phương án giảm, trì hoãn các loại thuế. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong quý 4 để tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng là 10%, dầu diesel là 0.55%. Chưa hết, kể từ ngày 1/1/2019, giá xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít do thuế môi trường đối với xăng tăng kịch trần 4.000 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng như hiện hành.

Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm 2019, tăng 700 đồng so với hiện nay. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng này tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, có nguồn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Ông đề nghị dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.

(*) Bài được cập nhật lại vào ngày 10/10, về số dư Quỹ BOG trên toàn quốc và tại Petrolimex.

Tuệ San

Xem thêm: