Việc mở một đường ống dẫn dầu qua Myanmar là một bước tiến lớn đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc, làm giảm sự phụ thuộc chủ yếu vào tuyến hàng hải đi qua các vùng biển mà Hoa Kỳ có ảnh hưởng mạnh mẽ.  

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã đạt được thỏa thuận mở một đường ống dẫn dầu dài khoảng 770 km, kéo dài từ thành phố cảng Kyauk Phyu thuộc miền Tây Myanmar, chạy dọc suốt chiều dài nước này đến thành phố Côn Minh của Trung Quốc. Dự án này được coi là viên ngọc quý kết tinh từ hiệp định hợp tác kinh tế mà hai bên đã ký kết trong các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh.

Đường ống dẫn có thể vận chuyển 22 triệu tấn dầu mỗi năm, tương đương với khoảng 6% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc năm 2016. Theo thỏa thuận ký kết vào ngày 10/4, PetroChina sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal, rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu lớn ở Côn Minh và Trùng Khánh để phục vụ các khu vực lân cận.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã làm việc với Chính phủ Myanmar để xây dựng đường ống thông qua hình thức liên doanh, trong đó đối tác Trung Quốc nắm giữ phần lớn cổ phần. Vào hôm thứ Hai (10/4), chuyến dầu đầu tiên chở 140.000 tấn dầu từ Azerbaijan đã được vận chuyển thành công qua đường ống, đánh dấu bước tiến quan trọng về an ninh năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Né điểm nóng Malacca

Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu nhập khẩu. Lượng dầu tiêu thụ ở quốc gia này trong năm 2016 có tới 65% là từ nhập khẩu, tăng 5% so với năm 2015. Trong đó, dầu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Đông (chiếm gần 50% tổng lượng dầu nhập khẩu), được vận chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông. Khi chính quyền Trump chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh về những hoạt động quân sự và bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc đã ý thức rõ ràng hơn về những thiệt hại khó có thể lường trước được. Dễ thấy nhất chính là việc đóng cửa eo biển có thể làm cho nền kinh tế và xã hội rơi vào tình trạng bất ổn.

Do đó, đường ống dẫn dầu qua Myanmar mang tầm chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, vì nó cho phép nước này nhập khẩu dầu từ Trung Đông và châu Âu, dùng tàu chở về cảng Kyauk Phyu ở Myanmar và chuyển thẳng về Trung Quốc, mà không cần phải đi qua các vùng biển mà Hoa Kỳ có ảnh hưởng mạnh mẽ.

(Ảnh: OilPrice.com)
(Ảnh: OilPrice.com)

Mặt khác, tuyến đường ống dẫn dầu chiến lược này cũng nhằm mục đích phục vụ cho hai trung tâm tăng trưởng chính của Trung Quốc, Côn Minh và Trùng Khánh. Đây là hai thành phố đóng vai trò then chốt để Trung Quốc xây dựng Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (One Belt – One Road). Trong đó, Côn Minh được coi là một trong những điểm khởi đầu của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, kết nối với ba nước là Myanmar, Việt Nam và Lào.

Chính phủ dưới thời Tập Cận Bình đã từng nỗ lực thúc đẩy đường ống dẫn dầu, và đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc tới Nga và Trung Á. Thêm một tuyến đường thứ ba với đường ống dẫn dầu qua Myanmar sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc, và có thể tăng sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh với Nga cũng như các nhà cung cấp hiện tại khác.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar và là một nguồn đầu tư quan trọng.  Thông qua hợp tác này, Myanmar kỳ vọng với sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, có thể góp phần ổn định hòa bình với các nhóm nổi dậy ở vùng biên giới của họ. Ngoài ra, việc hợp tác tốt với gã khổng lồ kinh tế Châu Á có thể giúp Miến Điện bù đắp tăng trưởng cho thời gian dài bị đình trệ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn.

Đổi lại, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Myanmar cũng có lợi cho kế hoạch “Một vành đai, một con đường” trong tham vọng tạo ra ảnh hưởng kinh tế bao trùm khắp Đông Nam Á, Trung Á và vươn xa hơn nữa của Trung Quốc. Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, Trung Quốc kỳ vọng sẽ xây dựng được các mối quan hệ chính trị hữu ích trong tương lai.

Chân Hồ

Xem thêm: