Nếu phải dùng một từ để mô tả thị trường lao động ở Mỹ hiện nay, thì đó là: sa mạc.

my thieu lao dong
(Ảnh: Shutterstock)

Kể từ hồi Tổng thống Trump đặt chân vào Nhà Trắng năm 2016, thị trường việc làm Mỹ liên tục có những tín hiệu tích cực khi số lượng việc làm mới được tạo ra tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm và duy trì ở mức cực thấp. Theo số liệu hiện tại, tỷ lệ số người không đi làm ở nước này chỉ dao động trong khoảng từ 3,6%% đến 3,7%.

Mới nghe thì tưởng là quá tốt, nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Các công ty ở một số bang và thành phố Mỹ như Iowa, New Hampshire và Florida, nói rằng họ đang phải vật lộn để duy trì tăng trưởng, vì một lý do khó tin nhưng có thật: không tuyển được người đi làm.

Ở nước Mỹ, hiện có tới hơn 1 triệu công việc đang chờ đợi các ứng viên.

Tại Iowa, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 ở mức 2,5%, cao hơn chỉ 1 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong lịch sử. Các số liệu gần nhất của chính phủ cho biết số người thất nghiệp giảm hơn 70.000 so với thời điểm bắt đầu chu kỳ kinh tế bùng nổ hiện nay. Điều này là rất tốt cho người dân địa phương, nhưng lại đặt ra một vấn đề nan giải khác: tỷ lệ số người gia nhập độ tuổi lao động giảm, trong khi số người già đi và ra khỏi lực lượng lao động lại tăng.

Để giải quyết tình trạng thiếu người làm, một số công ty ở Iowa buộc phải mở văn phòng ở các bang và thành phố khác để tìm người. Well Enterprises, công ty sản xuất món kem Blue Bunny, mở một văn phòng ở Minneapolis để phục vụ tiếp thị và bán hàng, nhưng phải đóng cửa nó 1 năm sau đó vì không tuyển được người. Cuối cùng, họ phải tới tận Chicago để tuyển được đúng người cho công việc.

Vermeer, một nhà sản xuất thiết bị công nghiệp, đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự trong khi nhu cầu của khách hàng tăng cao bằng cách kêu gọi nhân viên làm thêm vào thứ 7 – trên cơ sở tình nguyện. Nhưng điều này cũng không dễ dàng gì, vì người ta không chịu khó đi làm vào cuối tuần như “30 đến 40 năm trước đây,” Mary Andringa, thành viên ban giám đốc Vermeer cho biết.

>> Nghiên cứu: Đánh thuế toàn bộ hàng TQ, kinh tế Mỹ càng mạnh

Tình hình ở New Hampshire cũng không khả dĩ hơn, tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần mức thấp nhất trong 30 năm. “Đang có 20.000 việc làm chờ người tới nhận, nhưng không ai tới nhận,” David Juvet của Hiệp hội Kinh doanh và Công nghiệp New Hampshire cho biết. Thêm vào đó, tỷ lệ tăng trưởng dân số gần như bằng 0 khiến bang này khó có thể bổ sung được lực lượng lao động để bù vào số người sẽ nghỉ hưu.

Tại Florida, để đối phó với tỷ lệ thất nghiệp “quá thấp”, các công ty đang phải “mời lại những người đã nghỉ hưu, tăng cường sử dụng thực tập sinh và cải thiện năng suất lao động thông qua đào tạo,” Mark Vitner, một nhà kinh tế tại Wells Fargo cho biết.

Các công ty chế tạo và xây dựng trên cả nước cũng đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng sa mạc hóa thị trường lao động hiện nay. Nicholas Pinchuk, CEO của Snap-on, công ty chế tạo công cụ nói: “500.000 công việc trong lĩnh vực chế tạo đang chờ đợi người làm ở nước Mỹ, và chúng tôi không thể tìm ra họ. Các nhà máy của chúng tôi chưa bao giờ hoạt động nhiều giờ hơn [thời điểm hiện nay]”. Còn Jon Jaffe, một giám đốc tại công ty xây dựng nhà ở Lennar than thở: “Sự nghiêm trọng của thiếu hụt lao động trong ngành xây dựng là cơn gió nghịch mạnh nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay.”

>> 4 câu hỏi phỏng vấn chuyên gia khuyên dùng để tăng cơ hội được tuyển dụng

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang phải chịu trận. Theo một kết quả khảo sát, “tìm được đủ nhân lực chất lượng” đã trở thành khó khăn lớn nhất hiện nay, theo Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia. “Sự thiếu hụt nhân sự so với nhu cầu đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế,” các nhà kinh tế tại Liên đoàn này cho biết.

Vậy giải pháp cho cơn khát nhân sự này là gì? Đó có thể là nhập cư. Rất nhiều lãnh đạo các công ty đang thúc đẩy các chính sách nhập cư để đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn hơn. Chuyện này rất có thể sẽ trở thành một chủ đề nóng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào năm tới 2020.

Theo Axios
Hạ Chi tổng hợp