“Cải cách cơ cấu tổng cung” trở thành khẩu hiệu, trung tâm của kế hoạch cải cách kinh tế, khởi xướng bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, kể từ tháng 11/2015. Không chỉ dừng lại ở truyền thông trong nước, khẩu hiệu này đã mang tầm cỡ quốc tế sau các bài phát biểu của Chủ tịch Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu. Tuy nhiên, Trung Quốc có thực sự thay đổi được cơ cấu tổng cung vốn đang mất cân đối trầm trọng hay chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu, trò chơi chữ và mục tiêu chính trị của người trong cuộc?

Trong một bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 4/9, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận chương trình cải cách cơ cấu tổng cung của Trung Quốc gặp phải những thử thách lớn khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và thực trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ. Tuy nhiên, ông Tập vẫn khẳng định Trung Quốc sẽ kiên trì tiếp tục tăng cường chính sách này, cải cách mạnh mẽ phía tổng cung của nền kinh tế.

“Mục tiêu là thúc đẩy nguồn cung nhưng thực chất là cản trở”

Mặc dù vậy, dường như các quốc gia khác và giới chuyên gia kinh tế hoài nghi nhiều hơn là kỳ vọng trước chính sách kinh tế vĩ mô giáo điều, thiếu thực tiễn này. Bloomberg thậm chí đã liên tưởng chính sách này của ông Tập với chính sách kinh tế thời Tổng thống Ronald Reagan vào thập kỷ 80 của thế kỷ 19. Khi đó chính sách “Reganomics” cũng được coi là chính sách trọng cung, nhắm vào cắt giảm thuế, chi tiêu mạnh cho quốc phòng; điều này khiến kinh tế tăng trưởng khá nhưng nợ quốc gia tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, dù mang mầu sắc của Reganomics, nhưng thực tế kế hoạch “cải cách cơ cấu tổng cung” của ông Tập khác hẳn với Reaganomics, nó được Bloomberg mô tả như một mớ các chính sách nhằm cắt giảm dư thừa nguồn cung, đóng cửa một số công ty “xác sống”, hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp được ưa chuộng mà chưa hoạt động hiệu quả. Theo Barry Naughton, chuyên gia kinh tế Trung quốc tại Đại học California ở San Diego thì “mục tiêu là thúc đẩy nguồn cung nhưng thực chất của chính sách là cản trở”.

Trung Quốc phải đặc biệt giải quyết vấn đề quá dư cung trong lĩnh vực công nghiệp, một vấn đề quan ngại của tăng trưởng toàn cầu; xuất khẩu thép của nước này đã tăng, làm khuấy động thị trường Mỹ và Châu Âu. Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) cảnh báo “sản lượng công nghiệp quá dư thừa tại Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng của quốc gia này và của khu vực trong năm nay (2016)”. Khi nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm trong khi  dư thừa sản lượng ở một số ngành, số lượng lao động giảm, lương tăng, sẽ tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong trung và dài hạn.

Không dễ cắt giảm năng lực cung ứng dư thừa, Chính sách cải cách có nguy cơ biến thành khẩu hiệu theo truyền thống

Nhưng kiểm soát nguồn cung không dễ dàng. Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ đã hoàn thành được 48% kế hoạch là cắt giảm sản xuất 45 triệu tấn thép. “Nhưng dư thừa vẫn còn lớn”, một quan chức của Trung Quốc thuộc Ủy ban Cải cách Phát Triển Quốc gia cảnh báo vào tháng Tám.

Quan chức địa phương không muốn đóng cửa các nhà máy còn đang nợ tiền ngân hàng, đang đóng thuế và trên hết  là họ sử dụng lượng lớn lao động. Theo Reuters, số lao động trong lĩnh vực gang thép và than đá bị giải thể lên đến 6 triệu người. Dù có kế hoạch tài chính để trợ cấp thất nghiệp (dưới tên gọi “hưu nội bộ”) khi cắt giảm lao động của hai ngành này, nhưng con số 100 triệu NDT (15 tỷ USD) là quá ít ỏi. Ông Chen Yuyu, giáo sư kinh tế học của Đại học Kinh tế Bắc Kinh đánh giá “nếu một công nhân Mỹ bị sa thải, anh ta có thể tìm kiếm một công việc khác để sống. Nhưng nếu một công nhân Trung Quốc bị sa thải, anh ta sẽ đi biểu tình trước trụ sở chính quyền địa phương.”  Đây chính là trở ngại lớn trong chính sách cải cách này của Trung Quốc.

Ông Nhậm Quế Chính, người từng làm việc cho tập đoàn than đá Hắc Long Giang 30 năm qua cho biết, Tập đoàn này đã giảm biên chế khoảng 100 ngàn người, hiện đã có khoảng 22.500 người được bố trí làm nông nghiệp, làm rừng và dịch vụ công cộng. Tuy nhiên gần đây, hàng ngàn công nhân ở địa cấp thị Song Áp Sơn đã biểu tình kháng nghị đòi trả số tiền lương mà Tập đoàn thiếu nợ nhiều tháng nhưng chưa thanh toán.

Tuy nhiên, các quan chức cấp tỉnh đều rất nhiệt huyết trong khẩu hiệu. Đối với kỳ Đại Hội Đảng 5 năm sắp tới vào mùa thu năm 2017, họ đang thi đua để chứng minh rằng họ đang đi đúng trong chính sách đề ra; họ hy vọng điều đó sẽ giúp họ chiến thắng trong thăng cấp khi mà Trung Quốc cơ cấu lại rất nhiều lãnh đạo cao cấp. Tỉnh Hà Bắc, nơi có ¼ tổng sản lượng thép của Trung Quốc; tỉnh Hắc-Long-Giang, một phần của vành đai công nghiệp luyện kim phía Đông Bắc Trung Quốc; vùng duyên hải Sơn Đông cũng vừa mới đưa ra các kế hoạch cung ứng, bao gồm cả các mục tiêu cắt giảm công suất và giảm thuế cho các lĩnh vực công nghiệp mới như lĩnh vực xe điện và nông nghiệp sinh thái thân thiện. Quảng Đông, một tỉnh được biết đến trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi hơn là sản xuất thép, đã vượt lên các nơi khác bằng tập tài liệu 42 trang gồm 6 phần trong đó có phân tích về tầm nhìn…

 Ông Naughson, chuyên gia kinh tế Trung quốc tại Đại học California ở San Diegocho, nhận định về các báo cáo mang đầy mầu sắc chính trị này: “Rất nhiều trong số đó là ảo. Họ chỉ cố gắng ra vẻ rằng họ đang làm tốt việc thực thi chính sách của Bắc Kinh

Các nguyên tắc thị trường bị lờ đi, Chính phủ tăng cường nền kinh tế kế hoạch tập trung

Sự thay đổi chính sách phản ánh mong muốn của ông Tập trong vai trò kiểm soát tối cao và mạnh mẽ hơn của đảng đối với toàn bộ nền kinh tế, ông Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu tại Bắc Kinh của hãng tư vấn Gavekal Dragonomics, cho biết. Chính quyền Trung Quốc thiết lập mục tiêu sản xuất trong ngành thép, than đá và các ngành công nghiệp khác. Vào ngày 18/8, Ủy ban Hành Chính và Giám Sát tài sản Nhà nước, cơ quan quản lý các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, tuyên bố hỗ trợ 200 tỷ NDT (tương đương 30 triệu đô la) cho các công ty tái cơ cấu và đổi mới. Và Chính Phủ đang yêu cầu các công ty lớn, gồm cả các nhà sản xuất thép, thực hiện sát nhập, một phần là để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên quy mô quốc tế hơn.

“Đây là về quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ, để nói rằng ngành công nghiệp này sẽ sản xuất  nhiều chừng ấy và sẽ sa thải nhiều chừng ấy; đó thực sự là người theo chủ nghĩa can thiệp. Đó không phải là về một chính phủ đưa ra các quy tắc chung và để cho thị trường tự vận động”, Batson nhận định. “Đối với các nhà kinh tế tự do thực sự, họ thấy rằng điều đó thật khủng khiếp. Họ cho rằng tất cả đó là nền kinh tế kế hoạch tập trung”.

Bloomberg kết luận “Chủ tịch Tập đang chơi chữ, sử dụng cụm từ “cải cách cơ cấu tổng cung” để bào chữa cho việc tăng cường nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà thôi”.

Tâm Như – Phạm Quang 

Xem thêm: