Nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ từ Trung Quốc trong 9 tháng năm 2018 đạt 8,7 tỷ USD, tăng gần nửa tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời đây cũng là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam.

may moc thiet bi
Việt Nam chi 8,7 tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị Trung Quốc trong 9 tháng. (Ảnh: Shutterstock)

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết tính đến tháng 9/2018, cả nước đã chi hơn 24,6 tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ từ các nước, giảm 3,7%, tương đương hơn 944 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị vào Việt Nam đều suy giảm nhưng Trung Quốc lại tăng tới hơn 466 triệu USD.

Cụ thể, Việt Nam đã bỏ ra 8,7 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ từ Trung Quốc trong 3 quý qua, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu máy móc Đức về Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ USD; từ Hàn Quốc đạt 4,6 tỷ USD, giảm tới 33,5%; nhập máy móc từ Nhật Bản đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ 1,8%; và máy móc Mỹ về Việt Nam chỉ dừng lại ở 700 triệu USD.

nhap khau may moc thiet bi

Với kim ngạch nhập khẩu vượt trội, Trung Quốc được xem là thị trường cung cấp máy móc, thiết bị công nghệ lớn nhất cho Việt Nam khi chiếm tới 35-36% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này.

Ngoài ra, trong 9 nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, có đến 8 nhóm hàng được cung cấp nhiều nhất/nhì từ Trung Quốc. Tính riêng nhóm hàng này đã có tổng trị giá nhập khẩu là 35,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này không tương xứng, dẫn đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng mạnh, lên tới 18,5 tỷ USD sau 9 tháng.

mat hang nhap tu Trung Quoc

Trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt từng lý giải, việc Việt Nam ưa chuộng nhập máy móc, thiết bị Trung Quốc là do không quá đắt và phù hợp với tài chính của các doanh nghiệp trong nước. Trong khi sản phẩm sản xuất trong nước lại không phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của hàng xuất khẩu nên việc lựa chọn các máy móc thiết bị Trung Quốc là phù hợp.

Còn đối với hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam thường xuất thô hoặc xuất khẩu hàng sơ chế nên các máy móc sản xuất cũng không quá phức tạp, việc lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu tư lớn.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là do các nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu ở các công trình lớn và quan trọng tại Việt Nam nhờ giá bỏ thầu rẻ, chủ yếu là các công trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện, phân đạm, xi-măng, đường sắt cao tốc…

Tường Văn

Xem thêm: