Trong khi số lao động mất việc, giãn việc, giảm thu nhập tiếp tục tăng cao vào cuối quý 2/2020, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng điều kiện để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ thiếu thực tế khiến DN và người lao động đều khó tiếp cận.

cong nhan viet nam
Sau gần 2 tháng Việt Nam cho phép mở lại các dịch vụ không thiết yếu, số lao động mất việc, giãn việc, giảm thu nhập… vẫn tiếp tục tăng lên. (Ảnh minh họa: Thi/Shutterstock)

7,8 triệu lao động bị mất việc, nghỉ luân phiên, giãn việc

Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc (chiếm 25%); 17,6 triệu người bị giảm thu nhập (chiếm 57,3%).

Những con số này cao gấp nhiều lần con số trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập trong 5 tháng đầu năm – do Bộ LĐ-TB-XH công bố hồi đầu tháng 6.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết sau 6 tháng, lao động bị ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực dịch vụ, chiếm 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, chiếm 67,8%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,1%.

Khoảng 1,4 triệu người đã bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm, trong đó gần 900.000 người mất việc do các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất; tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động trong ngành bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp, ước tính chỉ 540.000 lao động.

Theo đó, sau gần 2 tháng Việt Nam cho phép mở lại các dịch vụ không thiết yếu (đầu tháng 5), số lao động mất việc, giãn việc, giảm thu nhập… vẫn tiếp tục tăng lên.

DN: Kinh doanh đã khó, càng khó tiếp cận hỗ trợ 

Ngoài số lao động bị ảnh hưởng đã được đưa vào số liệu thống kê, còn hàng nghìn lao động khác hiện đang trong danh sách chờ cắt giảm, như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) đã thông báo từ nay đến hết tháng 8/2020 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2.786 người; Công ty Giày da Huê Phong (TP.HCM) đã cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty gỗ Woodworth Wooden (TP.HCM) dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm 50% và tỷ lệ đơn cắt giảm này còn cao hơn trong những tháng cuối năm…

Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết hoạt động kinh doanh đã khôi phục hoàn toàn vào cuối tháng 6/2020, sản lượng chuyến bay khai thác bằng thời điểm trước khi có dịch. Song doanh thu mỗi tuần chỉ đạt 100-150 tỷ đồng, bằng 10-15% trước khi có dịch (1.500 tỷ đồng/tuần) do chủ yếu là khách nội địa, giá vé thấp. Chỉ khoảng 50% người lao động của VNA được trở lại làm việc.

Điều kiện nhận hỗ trợ thiếu thực tế cũng khiến DN gặp khó khăn. Ông Trần Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Tổng Công ty May 10 cho biết: “Trong thời gian dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm may mặc giảm đi rất nhiều nhưng bù lại đã chuyển sang sản xuất hàng phòng chống dịch nên kết quả hoạt động 6 tháng qua không kém. Dù một số đơn vị có đơn hàng đến cuối tháng 7, 8 nhưng dự báo những tháng cuối năm May 10 sẽ gặp khó khăn.” 

Ông Cường cho hay để tiếp cận và nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng, DN phải đáp ứng các điều kiện như không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động… Theo ông Cường, điều kiện doanh thu giảm 20% là phù hợp nhưng điều kiện tài chính bằng 0 mới được vay là rất khó; thực tế, nếu không còn quỹ lương dự phòng, không còn nguồn tài chính hợp lệ để chi trả cho người lao động thì coi như DN phá sản. Do đó, ông Cường đề nghị xem lại điều kiện về tài chính để DN, người lao động được hỗ trợ.

Một số DN về vận tải biển cho biết theo quy định, DN phải có từ 20% lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc mới đươc nhận hỗ trợ. Nhưng do đặc thù ngành, với ngành vận tải biển sẽ không có việc cắt giảm lượng lớn nhân sự, vì chỉ cần thiếu một bộ phận cả tàu sẽ không thể vận hành.

Ngoài ra, DN cũng cho rằng quy định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động được nhận hỗ trợ khi doanh nghiệp không còn doanh thu khi áp dụng vào thực tiễn thì không thực hiện được.

Nhu cầu tuyển dụng lao động 5 tháng đầu năm tại TP.HCM giảm 28% so với cùng kỳ, Hà Nội giảm 23%, trong khi thị trường xuất khẩu lao động hiện “đóng băng” khi các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc trong dịch COVID-19 phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm.

DN kêu khó ở thị trường trong nước

Tuy tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 được xác định là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng hậu COVID-19 tại Việt Nam, theo khảo sát DN, chỉ 28,2% DN cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do nhu cầu quốc tế thấp. Số DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu cũng chỉ chiếm 27,4%, theo Tổng cục Thống kê.

Theo kết quả khảo sát, có tới 53,6% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất; 50,4% DN cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 33,5% DN gặp khó khăn về tài chính.

(Các yếu tố gây khó khăn khác như 24,3% DN cho rằng lãi suất vay vốn cao; 23,7% DN không tuyển được lao động theo yêu cầu; 19,8% DN cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,5% DN cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay…)

Các ngành dự báo về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý 3/2020 so với quý 2/2020 giảm nhiều gồm: sản xuất kim loại 18,4%; ngành dệt 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 12,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác 11,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 11,1%; sản xuất, chế biến thực phẩm 11,0%;…

Thống kê cũng đưa ra kết quả khảo sát so quý 3/2020 với quý 2/2020, số DN cho rằng sẽ tăng đơn hàng, giảm tồn kho thành phẩm, tăng quy mô lao động cao hơn số DN có ý kiến ngược lại.

Tuy nhiên, các kết quả khảo sát đều thiếu ghi chú về quy mô doanh nghiệp tham gia dự báo.

6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tình trạng DN “ngủ đông” với số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ (tổng cộng 29,2 nghìn DN); số DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng 33,9% (22,4 nghìn DN). Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 10,2% (19,6 nghìn DN); số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 5% (7,4 nghìn DN).

Sơn Nguyên