Một tuần sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam và chuyển giao lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cho Grab, nhiều tài xế Grab than vắng khách bất thường.

Tai xe Grab
Các tài xế phải chờ lâu hơn cho một cuốc xe. (Ảnh qua: Cafebiz)

Một tuần trôi qua kể từ khi ứng dụng Uber chấm dứt cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và Grab chính thức tiếp quản thị trường, các tài xế Grab cho biết số lượng khách bị giảm sút nghiêm trọng.

Nếu như trước đây cứ khoảng 10 – 15 phút, các tài xế sẽ nhận được phân bổ cuốc xe, thì trong tuần qua, thời gian chờ đợi có thể lên tới 2 – 3 tiếng, doanh thu cả ngày của các tài xế chỉ bằng phần nửa trước đây.

Trên Facebook, nhiều lái xe Grab tỏ ra hoang mang và lo lắng trước việc doanh thu bị giảm sút đột ngột, nhiều người trong số họ có ý định bán xe, giải nghệ.

Hiện tượng này khá lạ lùng bởi lẽ khi Uber rút lui, Grab độc chiếm thị trường thì lẽ ra lượng khách phải tăng, tại sao lại giảm?

Grab tăng giá cước, siết chặt khuyến mại ngay tuần đầu tiếp quản

Ngay sau khi tiếp quản hoạt động của Uber, Grab lập tức có động thái điều chỉnh lại giá cước.

Giá cước công bố của Grab car 4 chỗ tại Hà Nội là 8.500 đồng/km + 400 đồng/phút, tương đương với khoảng hơn 10.000 đồng/km.

Tuy nhiên, giá báo trên các cuốc xe thường xuyên hiển thị cước phí tăng cao (có lúc tới 20.000 đồng/km), mặc dù trên bản đồ cho thấy số lượng xe sẵn sàng nhận cuốc không ít.

Bên cạnh đó, số lượng mã khuyến mại giảm sút rõ rệt khiến số lượng khách đặt xe Grab cũng giảm theo.

Grab tang gia cuoc
Cước phí luôn thể hiện tăng cao mặc dù rất nhiều xe chờ đón khách.

Khách Uber chưa chịu ‘bén duyên’ cùng Grab

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2017, có 29.500 xe đăng ký chạy Grab và 6.000 xe chạy Uber tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Với 6.000 xe, mỗi ngày Uber phục vụ khoảng 200.000 lượt khách. Đặc trưng của khách hàng Uber thường thanh toán bằng thẻ tín dụng nên đem lại nguồn thu khá ổn định, thu nhập tốt cho các tài xế.

Khi ứng dụng Uber bất khả dụng, nhiều khách hàng bày tỏ sự tiếc nuối và chưa muốn chuyển sang Grab vì cho rằng ứng dụng này không tinh tế như Uber. Nhiều người chủ động phương tiện hoặc tìm kiếm sang taxi truyền thống có ứng dụng gọi xe như Vinasun, Taxi Group, Mai Linh…

Trong khi đó, Grab khá áp lực vì số lượng khách tăng lên không đáng kể nhưng số tài xế lại tăng đột biến.

Với số lượng khách gần như không đổi, Grab phải phân bổ cuốc xe cho số lượng tài xế gấp 1,2 lần. Đây là lý do giải thích tại sao Uber rút khỏi thị trường, nhưng các tài xế Grab lại cảm thấy vắng khách hơn trước.

Lái xe bất mãn vì thu không đủ bù chi

Tuần vừa qua, giá xăng tăng hơn 600 đồng/lít khiến chi phí của các lái xe tăng cao. Sau khi trừ chi phí cho Grab (28,6% doanh thu cước) phần còn lại của lái xe chỉ còn còn 71,4%, trong khi phải chi trả tiền xăng, điện thoại, khấu hao xe, phí bảo trì đường bộ, hợp tác xã…

Nhiều tài xế cho biết với mức cước hiện tại, nếu không có thưởng theo cuốc xe thì họ không đủ tiền khấu hao xe. Đây cũng là mâu thuẫn của mô hình kinh tế chia sẻ khi biến tướng thành chạy xe chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Grab Việt Nam cho biết: “Grab không mong muốn các tài xế đầu tư xe mới, mà chỉ muốn duy trì mô hình kinh tế chia sẻ. Có như vậy kỳ vọng của tài xế về thu nhập sẽ không cao và chi phí khấu hao xe cũng không lớn”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số xe chạy Grab là chuyên nghiệp, đầu tư xe để chuyên chạy Grab chứ không phải là chia sẻ xe của gia đình, cơ quan. Hiện tại tâm lý chán nản xuất hiện trên diện rộng của cộng đồng lái xe.

PR lừa dối?

Trước tình cảnh đó, Grab có động thái khích lệ đội ngũ tài xế bằng việc đưa ra các tấm gương tài xế chạy xe tốt, doanh thu cao. Tuy nhiên, biện pháp này không tìm được sự đồng cảm với các tài xế đang trong tình trạng khó khăn.

Mới đây, một tài xế đã rất phẫn nộ đưa lên hình ảnh một bài PR của Grab mà theo tài xế này là nhân viên Grab đã mạo danh là lái xe để thực hiện chiến lược quảng bá. Ngay lập tức, đường dẫn bài PR đã bị gỡ bỏ.  

Grab PR lua doi
Bài PR của Grab bị tố là giả mạo (Ảnh chụp màn hình Facebook)

Có vẻ động thái tuần này (16-22/4) của Grab được đón nhận tích cực hơn khi hãng này cho biết sẽ đưa ra gói khuyến mại khủng cho khách hàng để kích cầu. Tuy nhiên, các tài xế còn khá nghi ngờ, chờ đợi kết quả thực tế diễn ra.

Từ 23h59 phút ngày 8/4, Uber chính thức rút khỏi Việt Nam. Từ thời điểm này người dùng không thể đặt các cuốc xe Uber trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời các ứng dụng dành cho lái xe cũng bất khả dụng.

Trong buổi làm việc với Bộ Công thương chiều ngày 12/4, đại diện Uber Việt Nam cũng cho biết đơn vị này đã hoàn tất việc chuyển giao hoạt động kinh doanh cho Grab theo thoả thuận ký kết của hai tập đoàn ký kết bên Singapore. Văn phòng Uber Việt Nam chính thức đóng cửa, rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam. Gần 6.000 phương tiện đăng ký chạy Uber sẽ đầu quân cho Grab từ ngày 8/4.

Vĩnh Long

Xem thêm: