Tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 và quý đầu năm 2018 chưa cho thấy dấu hiệu bền vững do vẫn quá phụ thuộc vào xuất khẩu của doanh nghiệp FDI, trong khi đó, dự Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu đang làm gia tăng những rủi ro tiềm ẩn.

luật an ninh mạng
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 đang khiến các tổ chức quốc tế quan ngại. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 là 6,81% và quý I/2018 là 7,38%. Kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao, Ngân hàng phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 khoảng 7,1%. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng quá nhanh, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro.

Nền kinh tế không có hàm lượng xuất khẩu giá trị cao

Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2017 khoảng 214 tỷ USD, tương đương 100% GDP (khoảng 5 triệu tỷ VND). Như vậy nếu xem xét giá trị GDP từ góc độ chi tiêu (GDP = Y = C + I + G + NX) thì có thể thấy giá trị hàng hóa dịch vụ sản xuất được ở trong nước phục vụ cho tiêu dùng nội bộ chỉ đủ để chi cho nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm dịch vụ.

Ngoài ra, lượng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam dựa chủ yếu vào nguồn vốn nước ngoài và thiếu các mặt hàng chủ lực. Trong số 214 tỷ USD doanh số xuất khẩu năm 2017, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào khoảng 152 tỷ USD (tương đương 71%). Trong đó xuất khẩu của hãng điện tử Samsung khoảng 25 tỷ USD (tương đương 11%). Như vậy, một khi có nhân tố tác động từ bên ngoài, luồng vốn FDI sụt giảm thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là từ khai thác tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khoáng sản…), khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên các mặt hàng này chủ yếu là khai thác trực tiếp và xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô mà chưa qua chế biến. Năm 2017, giá trị xuất khẩu khoáng sản và dầu thô của Việt Nam khoảng 5 tỷ USD. Các mặt hàng này đều dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế chính trị trên thế giới. Chẳng hạn như giá trị dầu thô thời gian qua giảm do giá dầu thế giới giảm.

Đối với các mặt hàng thủy sản, sản xuất ngành này tương đối manh mún, thiếu quy trình chặt chẽ. Ngoài việc nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam thường hay bị trả về không có quy trình chặt chẽ, mới đây nhất Việt Nam đã bị liên minh Châu Âu rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Nếu Việt Nam không thể xây dựng được quy trình khai thác và chế biến hải sản minh bạch thì sẽ là một nguy cơ đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tăng trưởng GDP cao không đồng nghĩa với bền vững

Những diễn biến gần đây nhất đối với đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các chuyên gia phân tích e ngại về một nguy cơ khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ có tăng trưởng kinh tế 7,4%, nằm trong nhóm nước có tăng trưởng cao. Tuy nhiên với chính sách theo đuổi tăng trưởng kinh tế của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh khiến nợ công tăng cao.

Tháng 5/2017, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm gần 20% khiến Ngân hàng Trung ương (NHTW) nước này phải nhiều lần nâng lãi suất nhằm cứu vãn tình hình. Trong 6 tháng đầu năm 2018, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nâng lãi suất cơ bản thêm 925 điểm lên mức 17,75%.

Có thể nói tình trạng này khá tương đồng với Việt Nam khi có tăng trưởng GDP cũng cao tương ứng. Năm 2017, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam đã cho tăng dư nợ tín dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Mới đây, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện bơm ròng hơn 100.000 tỷ đồng vào thị trường. Chưa kể, nợ công Việt Nam hiện nay đang tiệm cận ngưỡng báo động 65% GDP.

Hai dự luật đang làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn

Với Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, nhiều người dự đoán rằng các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook sẽ khó mà làm ăn ở Việt Nam. Đổi lại các doanh nghiệp Việt Nam cũng mất đi cơ hội hợp tác phát triển. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng phát triển ngoại thương và hoạt động sản xuất. Với một cơ chế thông tin khép kín và chặt chẽ như vậy, việc các doanh nghiệp Việt hoặc các start-up khởi nghiệp công nghệ mất đi cơ hội phát triển là điều dễ hiểu.

Theo ước tính của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam, Luật An ninh mạng mới đi vào hiệu lực có thể làm giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.

cac doanh nghiep cong nghe
Giới doanh nghiệp lo ngại Luật An ninh mạng ảnh hưởng đến môi trường dầu tư trong nước. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đối với Luật Đặc khu kinh tế vừa được Quốc hội tạm hoãn thông qua đến cuối năm 2018, TS. kinh tế Đinh Trường Hinh – tác giả cuốn sách “Công nghiệp nhẹ tại Việt Nam” – cho biết với BBC Tiếng Việt rằng nếu mục đích của 3 đặc khu là để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân thì chúng thật sự không cần thiết, thay vào đó, TS. Hinh đưa ra các giải pháp có thể phát triển kinh tế mà không cần đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Thứ nhất, Việt Nam cần rà soát lại các khoản đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng đầu tư, giúp các doanh nghiệp nội tiếp cận và học hỏi được nền tảng kỹ thuật của các doanh nghiệp quốc tế.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi để “nâng cấp” (upgrade) các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các công ty tư nhân trong nước (chứ không phải doanh nghiệp nước ngoài) để các doanh nghiệp này có thể phát triển bền vững và cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Thứ ba, theo Ngân hàng Thế giới, khái niệm đặc khu kinh tế (SEZ) là rất tổng quát. Do đó, các kinh nghiệm về SEZ trên thế giới đều là chung chung, không có tính nhắm thẳng đối với các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vốn có nhiều khác biệt, chẳng hạn như về thời hạn cho thuê đất hay luật lệ…

Theo TS. Hinh, Trung Quốc thời kỳ đầu đã dùng 4 đặc khu kinh tế để làm thí điểm trước khi đem ra áp dụng toàn quốc gia và thành công như Thâm Quyến. Nhưng sau đó, chúng không còn đóng vai trò đáng kể. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm SEZ thất bại trên thế giới cũng không ít, đặc biệt ở các nước châu Phi như Nigeria, Namibia, Mali…

Do đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng thay vì lập đặc khu kinh tế, Việt Nam nên thí nghiệm các cải cách kinh tế muốn làm ở các khu công nghiệp hiện có (thay vì sẽ có) và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cũng vừa mới đưa ra cảnh báo Việt Nam không nên hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô để đổi lấy tăng trưởng nếu muốn được xếp hạng là nước “nên đầu tư” (investment-grade).

Liên Hương – Tường Văn

Xem thêm: