Năm 2018 sắp khép lại, hãy cùng Trí thức VN điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật trong một năm đầy biến động vừa qua.

sai gon
Một góc Sài Gòn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Shutterstock)

GDP tăng trưởng tích cực

Có lẽ điểm sáng duy nhất cho đến hiện tại đó là nền kinh tế tăng trưởng vượt dự kiến, với tốc độ tăng trưởng GDP theo Tổng cục Thống kê báo cáo là 7,08% – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại.

Cùng với đó, ước tính cả năm 2018 Việt Nam xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD; ngân sách thặng dư lần đầu tiên sau 13 năm liên tục bị thâm hụt. Nhưng cũng cần biết rằng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 65% dự toán cả năm và tổng chi ngân sách hiện không bao gồm các khoản chi trả nợ gốc, điều này là một trong những lý do khiến tình trạng chi ngân sách thấp hơn dự toán.

Bên cạnh đó, nhìn vào cơ cấu chi tiêu có thể thấy tỷ lệ chi thường xuyên vẫn chiếm rất cao (68,7% tổng chi) trong khi chi đầu tư phát triển lại không tương xứng. Thêm vào đó, xuất siêu của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực trong nước vẫn nhập siêu lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khối FDI lại không cao, bên cạnh rất nhiều ưu đãi đang tạo ra sân chơi thật sự không bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Điều đó được phản ánh phần nào qua thực trạng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 gia tăng đột biến, với khoảng 90.700 doanh nghiệp đóng cửa, tăng gần 50% so với năm 2017 – cũng là một mức cao “kỷ lục”.

Vậy câu hỏi đặt ra là nền kinh tế đã đạt được tăng trưởng bền vững chưa? Các chuyên gia từ Chính phủ cho là có, tuy nhiên, những con số thống kê sẽ có tính xác thực và thuyết phục hơn mọi lời nói. Bên dưới là một bức tranh như vậy.

>> Sự sùng bái tăng trưởng (P2): Động lực của tăng trưởng là truy cầu vô tận

Điều khoản cho thuê đất 99 năm

Ngày 23/5/2018, dự thảo Luật Đặc khu được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, đa số các đại biểu Quốc hội đã dành sự đồng thuận cho dự án luật này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ dư luận lại rất xôn xao và phản đối dự luật Đặc khu, đặc biệt là về thời hạn cho thuê đất 99 năm.

Nói về thời hạn cho thuê đất tại 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “99 năm không chỉ là con số 50 + 49, mà nó là biểu thị một sự giao phó.”

Phân tích về vị trí chiến lược của 3 đặc khu đối với an ninh quốc phòng Việt Nam, nhà sử học nhận định cả 3 điểm đều hướng ra Biển Đông như “bức bình phong” của đất nước. Nếu như Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, những trận chiến quan trọng nhất đánh giặc Nguyên Mông đều xảy ra tại đây; thì Bắc Vân Phong nắm giữ cửa ngõ miền Trung nhìn ra quần đảo Hoàng Sa; còn Phú Quốc chiếm ngự cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương.

Do đó, ông Quốc đề nghị Quốc hội phải hết sức thận trọng, không thể mang chuyện cho thuê đất 99 năm ra để thử nghiệm như có đại biểu kiến nghị bởi bài học về Formosa vẫn còn hiện hữu, lãnh đạo Hà Tĩnh ký vượt quyền cho thuê 70 năm nhưng đến khi xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cũng không thể thay đổi được hợp đồng 70 năm.

Trước sức nóng từ dư luận, cũng như việc tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, sáng ngày 11/6 Quốc hội đã thông qua việc lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu sang Kỳ họp thứ 6 và sau đó được lùi tiếp tục cho đến hiện nay.

Cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ tại biên giới Việt – Trung

Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 19/2018 cho phép thương nhân và cư dân khu vực biên giới Việt – Trung và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt tại đây sẽ được phép sử dụng đồng Nhân dân tệ trong hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa dịch vụ từ ngày 12/10/2018.

Song song với đó, Trung Quốc còn tăng cường các hoạt động thúc đẩy thương mại giữa hai nước tại khu vực biên giới, đẩy mạnh xây dựng khu kinh tế tại các khu vực ngoại quan (bonded areas) nhằm cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế.

Trước đó vào hồi tháng 9, cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) đã nhanh chóng được Lạng Sơn và Quảng Tây cho ra mắt. Các cơ sở dự kiến ​​sẽ trải dài từ 20 – 100 km2 ở cả hai bên đường biên giới. Nguồn vốn cho các công trình phía Bắc nằm trong gói ngân sách dành cho chiến lược “Một vành đai, một con đường” của chính quyền Bắc Kinh.

>> Trung Quốc lên kế hoạch phủ áo choàng “made in Vietnam” lên hàng hóa xuất Mỹ

Tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít, dầu lên 2.000 đồng/lít của Bộ Tài Chính mặc dù vấp phải làn sóng phản đối từ người dân, doanh nghiệp cho đến chuyên gia và các Bộ, ngành, nhưng cho đến nay nó đã chính thức được thông qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với lần tăng thuế này sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm.

Điều đáng nói, thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu được đề xuất nhiều lần trong bối cảnh giá xăng Việt Nam không hề rẻ so với các nước, và mỗi lít xăng cũng đang “cõng” tới hơn 9.000 đồng các loại thuế phí khác nhau, tức chiếm khoảng 52,3% giá xăng – cao hơn mức trung bình (49,3%) của các nước OECD; cao gấp 3 lần Mỹ, gấp 4 lần Mexico và cao hơn cả Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand.

thue phi tren 1 lit

Chưa kể, tỷ lệ thuế trên mỗi lít xăng bị lấy đi trong thu nhập ngày của người Việt cũng đang ở mức 7,3% thu nhập – cao hơn gấp 82 lần người Mỹ (0,1%) và gấp 9 lần mức trung bình các nước OECD (0,8%).

Xăng tăng giá

Song song với đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là sự tăng giá không ngừng nghỉ của giá xăng dầu trong 10 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, tính từ mức đáy 16.760 đồng/lít vào ngày 5/7/2017, đến ngày 6/10/2018 giá xăng đã tăng tổng cộng 5.597 đồng lên 22.357 đồng/lít và chỉ dừng lại vào những tháng cuối năm theo đà sụt giảm của xăng dầu thế giới.

Gia xang tang thang dung 6.10

Bộ Tài chính lấy lý do việc tăng giá xăng vì giá trong nước còn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét trong mối tương quan giữa giá xăng với mức thu nhập của người dân, chi phí tiêu dùng 1 lít xăng chiếm khoảng 13,3% thu nhập bình quân ngày của người Việt – thuộc một trong số những quốc gia có tỷ lệ giá xăng dầu chiếm trong thu nhập cao nhất thế giới.

Viện dẫn giá xăng Việt Nam thấp hơn Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore, Mỹ, Nga… lúc này cũng không còn phù hợp, vì giá xăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thu nhập hàng ngày của người dân các quốc gia đó, với tỷ lệ tương ứng như sau: 5,5%, 1,6%, 1%, 0,5%, 2,2%.

>> Doanh thu Petrolimex tăng hơn 30.000 tỷ nhờ xăng tăng giá

Tỷ lệ cung tiền cao thứ hai khu vực, chỉ sau Trung Quốc

Một trong những rủi ro nội tại của nền kinh tế Việt Nam được chuyên viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận diện đó là tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực (163,7%), trong khi tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/GDP lại thuộc vào hàng thấp nhất, chỉ 24%.

Cụ thể, tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm qua và hiện đang ở mức 163,7%, cao nhất khối ASEAN và cao thứ hai khu vực châu Á (chỉ sau Trung Quốc).

cung tien
Tỷ lệ cung tiền cao trong khi tiết kiệm quốc gia lại đang ở mức thấp. (Nguồn: VDSC)

“Việt Nam với sự phụ thuộc lớn vào cung tiền trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong dân thấp đang bộc lộ nhiều rủi ro tiềm tàng”, chuyên gia của VDSC nhận định.

Theo thống kê từ NHNN, trong 3 tháng cuối năm 2018, tổ chức này đã đưa thêm 189.000 tỷ đồng vào thị trường trong bối cảnh thanh khoản eo hẹp do nhu cầu tín dụng lớn vào dịp cuối năm.

Trước đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết trong nửa đầu năm 2018, NHNN cũng thực hiện bơm ròng khoảng 210.000 tỷ đồng vào thị trường, tại thời điểm mà thị trường chứng khoán Việt Nam bị lao dốc mạnh, lần lượt mất các ngưỡng 1.000 điểm, 900 điểm chỉ trong vài tuần ngắn ngủi trong quý 2.

Dù sao đi nữa, một năm đầy biến động đã qua đi, trong không khí chào đón năm mới với những hy vọng tốt đẹp sắp đến, chúng ta có quyền vui mừng với thành tích kinh tế đạt được vào cuối năm, kỳ vọng về một năm 2019 bứt phá hơn nữa với môi trường kinh doanh thông thoáng hơn khi có nhiều quy định bó buộc doanh nghiệp đã được cởi bỏ, hay say sưa với men chiến thắng của tuyển bóng đá quốc gia dưới bàn tay của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo…

Tuy nhiên, trước những “viễn cảnh tươi đẹp” xuất hiện dày đặc trên các mặt báo như muốn khỏa lấp tất cả biến cố trong năm, chúng ta cũng cần lắng đọng lại, không vì chút màu hồng mà bỏ qua toàn cảnh bức tranh. Thay vào đó, nắm vững quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta vạch ra được kế hoạch tương lai bớt mơ hồ và ngây thơ hơn với một tầm nhìn xác thực và biết được chính xác điều cần phải thay đổi là gì. Viễn cảnh tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hay u ám hơn bởi những hành động chúng ta thay đổi, chứ không bởi những cơ hồ cậy trông vào một viễn cảnh nào đó được tô vẽ nên.

Chân Hồ

Xem thêm: